Nỗi lo an toàn từ “cà-phê đường tàu”

Vài năm trước đây, “cà-phê đường tàu” ở trung tâm Thủ đô Hà Nội đã trở thành địa chỉ “check-in” thu hút rất đông khách du lịch quốc tế cũng như người dân khu vực lân cận buổi chiều tối và dịp cuối tuần, bởi tính “độc-lạ”, vừa mang đậm nét cổ xưa, vừa có cảm giác mạo hiểm mỗi khi có đoàn tàu hỏa chạy qua. Chính vì không bảo đảm an toàn cho người dân, vi phạm hành lang đường sắt, thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng đóng cửa “cà-phê đường tàu”.
0:00 / 0:00
0:00

Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động ở đây tạm lắng nhưng thời gian gần đây, khi dịch được kiểm soát, các quán hàng lại mở cửa trở lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Địa chỉ trải nghiệm độc đáo

Những cư dân sống lâu năm ở khu vực Chắn 5 Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, hầu hết các hộ dân trong khu vực đều từng là cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt, được phân đất sinh sống hơn nửa thế kỷ nay. Xóm đường tàu vốn là những căn hộ tập thể xuống cấp, nhếch nhác, các hộ dân do điều kiện sinh hoạt chật hẹp, hầu hết đều lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, khi một số du khách nước ngoài phát hiện ra địa điểm này, đã chụp ảnh giới thiệu trên các trang mạng du lịch, khách quốc tế biết nơi này ngày càng nhiều và lựa chọn đây là điểm đến “check-in”, khám phá khi tới Hà Nội.

Đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, một số hộ dân đã “bung ra”, cải tạo, sửa chữa ngôi nhà xập xệ của mình thành quán cà-phê với các phong cách độc đáo, hình thành “xóm cà-phê đường tàu”.

Cuối năm 2019, trước nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông và vi phạm hành lang đường sắt, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội phối hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành rào chắn, giải tỏa, ngăn chặn vi phạm trong khu vực. Khi dịch bệnh bùng phát, các quán cà-phê hầu hết đóng cửa, phong trào chụp ảnh, quay phim trên đường tàu giảm hẳn.

Nhưng gần đây, dịch bệnh được kiểm soát, du lịch mở cửa trở lại, các hàng quán tiếp tục hoạt động, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc giữ gìn trật tự an ninh khu vực.

Mặc dù chính quyền đã yêu cầu các chủ quán hàng chỉ được phép mở bán trong nhà, không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, song nhiều trường hợp, các du khách ưa mạo hiểm không tuân thủ các quy định, rất dễ phát sinh tình huống không lường trước được.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, tại “xóm cà-phê đường tàu” khu vực phía bắc ga Hà Nội, đoạn từ Km0+595-Km0+840 (tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng), tình trạng người dân bày bán hàng và du khách nước ngoài đến khu vực trên để chụp ảnh, quay phim tiếp tục tái diễn nhộn nhịp. “Tôi rất thích, đó là điểm đến độc đáo, thú vị! Nghe bạn bè giới thiệu, đặt chân đến Hà Nội, tôi tìm đến chỗ này ngay và chụp ảnh gửi về cho gia đình. Ai cũng thấy thích thú, tôi thấy ít nơi trên thế giới có cảnh này!”, anh Adam, một du khách châu Âu cười vui vẻ.

Anh cho biết, lúc tàu chạy qua cũng có cảm giác sợ, nhưng vì tàu đi chậm nên ngay sau đó thấy bình thường, tìm cách chụp một tấm ảnh của mình đứng bên đoàn tàu là không dễ có được. Chính vì thế, buổi chiều tối những ngày cuối tuần, các quán cà-phê ven đường tàu hầu như đều kín chỗ, những khi không có tàu, khách du lịch tràn xuống chụp ảnh dưới đường ray. Lượng khách du lịch trải nghiệm phố đường tàu tuy góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân sinh sống trong khu vực, làm phong phú các điểm đến của Thủ đô với du khách quốc tế, song lại tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Những người lái tàu mỗi lần chạy qua đều căng thẳng, kéo còi liên tục và đi với vận tốc rất chậm do lo ngại xảy ra tai nạn. Mặc dù chính quyền đã yêu cầu các chủ quán hàng chỉ được phép mở bán trong nhà, không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, song nhiều trường hợp, các du khách ưa mạo hiểm không tuân thủ các quy định, rất dễ phát sinh tình huống không lường trước được.

Mới đây nhất, khoảng 12 giờ ngày 18/9, tại xóm cà-phê đường tàu, thuộc khu vực chắn tàu phố Trần Phú - Lý Nam Đế, giáp ranh phường Cửa Đông và phường Điện Biên, đã xảy ra một vụ va chạm, tai nạn đường sắt, do một du khách nước ngoài đã lách mình vượt rào ra sát đường ray chụp ảnh “tự sướng” khi đoàn tàu khách Lào Cai-Hà Nội đang tới gần, dù nhân viên đường sắt đã kéo rào chắn và nhiều người can ngăn. Trong quá trình chụp ảnh, du khách va vào đoàn tàu và bị gạt bắn vào tường.

Rất may do tàu đi với vận tốc chậm, vụ tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng, du khách nêu trên đã tự đứng dậy bỏ đi khỏi hiện trường sau khi va chạm. Tuy nhiên, sự cố khiến đoàn tàu phải dừng lại giải quyết, khiến tuyến đường Điện Biên Phủ, Trần Phú ùn tắc. Nhận được tin báo, công an hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đã có mặt giải phóng ùn tắc giao thông, thu thập thông tin để xác minh danh tính du khách nêu trên. Qua sự cố này, một lần nữa cho thấy, việc tập trung đông người tại khu vực “phố cà-phê đường tàu” đang rất mất an toàn.

Xử lý, giải tỏa các điểm vi phạm

Trước tình trạng các quán hàng “bung ra” không kiểm soát thời gian gần đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Ủy ban nhân dân các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và các phường liên quan phối hợp xử lý tình trạng bán hàng, quay phim, chụp ảnh tại “cà-phê đường tàu” trên tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng.

Theo đó, để bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Tổng công ty đề nghị chính quyền phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng bán cà-phê, giải khát và các mặt hàng khác trên đường sắt tại khu vực phường Hàng Bông, Cửa Nam và Điện Biên Phủ.

Trong văn bản gửi ngày 12/9, ngành đường sắt nêu thực trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang diễn ra nghiêm trọng. Nhiều quán cà-phê mở bán, nhiều du khách nước ngoài, người dân đến chụp ảnh, quay phim trên đường tàu. Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Hà Nội xử lý dứt điểm tình trạng này.

Bộ Giao thông vận tải luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch, nhưng điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm trật tự an toàn cho du khách và an toàn chạy tàu theo đúng quy định, đặc biệt trong khu vực hành lang đường sắt nội đô thành phố Hà Nội. Chính quyền địa phương cũng nên xem xét, tính toán đến việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt, càng để lâu càng khó giải tỏa.

Bộ Giao thông vận tải

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, tất cả các hộ dân đang kinh doanh ở khu vực đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Do đó, quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ các giấy phép đăng ký kinh doanh đã được cấp trước đó và đình chỉ kinh doanh có hiệu lực, cơ bản hoàn thành dứt điểm trước ngày 20/9. Quận Hoàn Kiếm sẽ giao cho lực lượng chức năng tổ chức rào chắn, tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để người dân hiểu và ngừng hoạt động kinh doanh.

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, quan điểm của Bộ luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch, nhưng điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm trật tự an toàn cho du khách và an toàn chạy tàu theo đúng quy định, đặc biệt trong khu vực hành lang đường sắt nội đô thành phố Hà Nội. Chính quyền địa phương cũng nên xem xét, tính toán đến việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt, càng để lâu càng khó giải tỏa.

Cần xác định rõ “cà-phê đường tàu” không phải là sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn của Thủ đô. Giữa nội đô Hà Nội thanh lịch, văn minh không thể tồn tại kiểu du lịch mạo hiểm với hình ảnh nhếch nhác, xập xệ trong mắt bạn bè, du khách quốc tế. Mọi hành vi kinh doanh, qua lại chung quanh không gian chạy tàu luôn tiềm ẩn nguy hiểm cao độ, cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Chính quyền địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm an toàn hành lang đường sắt, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành, tuân thủ bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện về đời sống, kinh doanh cho các hộ dân trong khu vực,...