Không ủng hộ tiếp tục kinh doanh “cà phê đường tàu”
Ngày 20-10 vừa qua, sau khi TP Hà Nội giải tán tụ điểm “cà phê đường tàu”, một số đại diện cư dân Chắn 5 Trần Phú đã gửi đơn kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT, chính quyền TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm bỏ rào chắn lối đi vào khu dân cư, đồng thời đề xuất các giải pháp an toàn cho khách khi tiếp tục kinh doanh giải khát tại khu vực này.
Theo phản ánh của tập thể cư dân xóm đường tàu, hầu hết các hộ dân trong khu phố này đều từng là cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt, được cơ quan phân đất sinh sống tại đây hơn 50 năm, trước khi có các quy định liên quan về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt như Nghị định số 39/NĐ-CP ngàv 5-7-1996 của Chính phủ, Luật Đường sắt 2005, Luật Đường sắt 2017. Nơi sinh sống cùa các hộ dân này, hầu hết vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
Trong đơn kiến nghị, cư dân xóm “cà phê đường tàu" cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray vào đến nhà. Các hộ gia đình sẽ kẻ vạch sơn an toàn và lắp barie chặn lối đi bằng inox trước mỗi cửa hàng và nhà dân để tránh cho du khách vượt vào đường ray.
Các quán sẽ lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ Việt - Anh để cảnh báo tàu chạy và không ngồi, đứng gần đường tàu và có loa cảnh báo kết nối với chắn tàu trước khi tàu chạy qua. Đồng thời, các quán cà phê cũng lắp camera giám sát để phát hiện hộ kinh doanh vi phạm hành lang đường sắt, để khách gặp nguy hiểm.
Cà phê đường tàu thu hút rất đông khách du lịch.
Liên quan việc người dân xóm “cà phê đường tàu” đề nghị được tiếp tục kinh doanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh khẳng định không ủng hộ tiếp tục kinh doanh hàng quán này. Ông Minh cho rằng, giải pháp nào an toàn và đúng luật nhất cần phải được thực thi, không thể vì quyền lợi của một nhóm người mà cho phép tồn tại các hành vi vi phạm pháp luật.
“Trong trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt, nếu chẳng may xảy ra tai nạn, gây đổ cả đoàn tàu sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước và tính mạng người dân. Trường hợp đó, chúng ta vì quyền lợi của người bán cà phê hay vì quyền lợi của cộng đồng, bao gồm hành khách và hàng hóa, người trên đường và đầu máy, toa xe, những công trình bên cạnh?”, ông Minh nêu ra tình huống.
Xét trên khía cạnh này, ông Minh đặt vấn đề phải lường trước những rủi ro lớn nhất xảy ra thì tổn thất là gì để cơ quan quản lý có cách ứng xử hợp lý nhất, đồng thời tin rằng nhiều người sẽ bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an toàn người dân và hành khách.
Tuy những hộ kinh doanh bán cà phê đường tàu có kiến nghị cam kết có những biện pháp phòng tránh tai nạn đường sắt và bồi thường thiệt hại nếu có tai nạn xảy ra, nhưng vị Chủ tịch HĐTV ngành đường sắt vẫn đặt câu hỏi: “Nếu hành khách, trẻ nhỏ bất chợt chạy ra đường tàu, có ai dám bảo đảm chủ quán cà phê đó ngăn chặn được hoàn toàn. Giả dụ tai nạn xảy ra gây chết người, ai có thể bồi thường để người đó sống lại được?”
Quyết định 994/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự ATGT đường bộ, đường sắt có đề cập đến giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt, nếu tiếp tục để vi phạm kinh doanh, càng về sau này sẽ càng khó giải tỏa.
“Tất cả những vị trí kinh doanh quán cà phê đường tàu ở Hà Nội là vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Luật Đường sắt ban hành năm 2018 đã chỉ rõ, phấn đấu năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở, hướng tới sự an toàn cho người dân. Hiện, các địa phương đang kiềm chế và không cho phát sinh thêm lối đi tự mở, đồng thời tiến tới lộ trình xóa bỏ dần dần vào năm 2025,” ông Minh quả quyết.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải - đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt trên tuyến, cho biết thực tế đã có vụ tai nạn tàu va phải khách nước ngoài tại đây, rất may nạn nhân chỉ bị thương nhẹ. "Không ai ngăn cản người dân kinh doanh, nhưng không thể kinh doanh trong phạm vi hành lang an toàn chạy tàu bởi Luật Đường sắt đã quy định. Nếu muốn làm du lịch tại khu vực này, Hà Nội phải có quy hoạch, đề xuất phương án, có ý kiến của cơ quan chuyên môn và ngành giao thông, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt", ông Long nhấn mạnh.
Sớm giải tỏa các điểm lấn chiếm
Theo Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh, việc UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan xử lý dứt điểm, kiên quyết các vi phạm ATGT đường sắt trên địa bàn, trong đó đặc biệt là cà phê đường tàu từ phố Trần Phú kéo dài theo phố Phùng Hưng là hết sức cần thiết và lẽ ra phải làm từ lâu bởi vi phạm đã kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất ATGT đường sắt. Vi phạm ngay từ lúc mới phát sinh, nếu không xử lý kịp thời sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành “điểm nóng” gây khó khăn và lãng phí cho công tác xử lý về sau.
Trước những ý kiến cho rằng, nếu có cách quản lý phù hợp thì “phố” cà phê đường tàu có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô bởi nét “độc và lạ”, ông Trần Hữu Minh cho rằng, không thể tồn tại song song việc kinh doanh với việc bảo đảm ATGT, đặc biệt là ATGT đường sắt. Nếu thành phố hoặc người dân xác định kinh doanh thì phải nằm ngoài hành lang ATGT đường sắt. Nếu như ngồi ở quán trên tầng hai, hoặc tầng một có lan can ngăn cách, được kiểm soát hoàn toàn còn có thể tạm được. Mọi hành vi kinh doanh, qua lại ngay trên không gian chạy tàu tiềm ẩn gây nguy hiểm cần phải chấm dứt ngay.
Cũng theo ông Minh, sau giải tỏa, công tác duy trì chống tái lấn chiếm rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp chính quyền địa phương và lực lượng thực thi công vụ. Thực tế cho thấy, các quy định hiện hành đều có đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong việc quản lý địa bàn, tuy nhiên quá trình thực thi còn buông lỏng dẫn tới còn để xảy ra vi phạm. Tới đây, khi sửa đổi Luật Cán bộ, công chức cần phải sung các quy định cho chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là khâu xử lý trách nhiệm.
Giải tỏa cà phê đường tàu.
Ngày 22-11, Bộ GTVT cho biết, đã có văn bản trả lời phiếu chuyển đơn kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và văn bản của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của các hộ dân xóm đường tàu - Chắn 5 Trần Phú. Bộ GTVT nêu quan điểm luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch và bảo đảm đời sống người dân, nhưng phải bảo đảm trật tự an ninh, an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu theo đúng quy định, nhất là trong khu vực hành lang, an toàn đường sắt nội đô TP Hà Nội. Vì vậy, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết.
Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 994/2014/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm ATGT đường sắt cho phù hợp; đề xuất Chính phủ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ATGT đường sắt. Mặt khác, chỉ đạo Cục Đường sẳt Việt Nam (ĐSVN) tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt. Trong đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng mất ATGT, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt.
Bộ GTVT cũng phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương các quận, phường nơi có đường sắt đi qua để thực hiện giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt.
Bộ GTVT yêu cầu Cục ĐSVN tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường sắt; phối hợp thực hiện giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt. Đồng thời, chủ động phối hợp UBND cấp quận, phường, đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội để nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện đời sống, kinh doanh của các hộ dân trong khu vực và bảo đảm ATGT đường sắt theo quy định.
Về phía UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đề nghị chủ trì, có kế hoạch giải tỏa các công trình vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt và xử lý các hành vi vi phạm; thực hiện việc di dời, tái định cư cho nguời dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan; nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện kinh doanh cho các hộ dân trong khu vực và bảo đảm ATGT đường sắt theo quy định.
Đồng thời, công bố công khai các mốc chỉ giới bảo vệ hành lang an toàn đường sắt đã được phê duyệt cho người dân trong địa bàn biết. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm việc bảo đảm ATGT đường sắt; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường trực chốt, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trật tự ATGT, hành lang an toàn đường sắt tại khu vực trên.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã giao Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân tại Chắn 5 Trần Phú theo đúng quy định, bảo đảm tuyệt đối trật tự ATGT đường sắt. Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp lâu dài thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân. |