Nỗ lực ổn định giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu

Sau khi lương cơ sở tăng (từ ngày 1/7), có tình trạng một số mặt hàng ở các chợ truyền thống đã tăng giá. Trước tình hình đó, ngành công thương thành phố đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng… để thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa dành cho trẻ em tại một siêu thị Co.opmart.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa dành cho trẻ em tại một siêu thị Co.opmart.

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đã nhận được phản ánh về chuyện giá cả một số mặt hàng ở chợ tăng sau khi lương cơ sở tăng. Theo quy luật kinh tế, tăng lương không làm tăng cung tiền, do đó không có lý do để tăng giá hàng hóa. Giá hàng hóa ở chợ chủ yếu phụ thuộc nguồn cung ứng trong ngày và từng thời điểm khách hàng mua sắm. Chẳng hạn, nếu hàng hóa tồn đọng thì thương nhân sẽ giảm giá bán vào thời điểm cuối ngày. Ngược lại, khi lượng khách hàng tăng cao, nhất là với khách vãng lai, thương nhân có thể đẩy giá bán lên để kiếm lời… Trước tình hình đó, ngành công thương thành phố đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm bình ổn giá, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy hoạt động bán lẻ, ngăn chặn tình trạng "té nước theo mưa" (lấy cớ lương tăng để tăng giá bán hàng hóa), hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ngành công thương đã triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các chương trình hợp tác giữa thành phố và các tỉnh, thành phố khác để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; triển khai chương trình khuyến mãi tập trung "Mùa mua sắm-Shopping Season"; phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp sản xuất, phân phối triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá sâu để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa theo lương…

Theo Cục Thống kê thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7/2023 của thành phố ước đạt 103.857 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chương trình khuyến mãi tập trung "Mùa mua sắm-Shopping Season" kéo dài suốt ba tháng (từ ngày 15/6 đến 15/9/2023), không chỉ gồm những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, may mặc, hóa-mỹ phẩm…) mà còn là những dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch... Theo Sở Công thương thành phố, không tính các chương trình khuyến mãi thông thường, được thực hiện thường xuyên, chương trình khuyến mãi tập trung "Mùa mua sắm-Shopping Season" (đợt 1 năm 2023) đã có hơn 3.000 doanh nghiệp và đơn vị tham gia với khoảng 7.200 hoạt động khuyến mãi. Số lượng đơn vị tham gia chương trình đã tăng 7,5% và số lượng hoạt động tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong chương trình này, có khoảng 30% chương trình khuyến mãi thực hiện ưu đãi giảm giá bán hơn 50%; nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có mức giảm giá tới 100%. Các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Central, SATRA, MM Mega Market, Emart, AEON, Lotte Mart... đều giảm giá mạnh cho nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhằm hỗ trợ, chia sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng. Nhờ vậy, thời gian qua, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ở thành phố khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Hơn nữa, người tiêu dùng đã có nhiều cơ hội được mua sắm nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Không những vậy, với vị thế là nhà bán lẻ luôn đi đầu trong chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động khuyến mãi..., Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) còn dành sự quan tâm lớn đến các em học sinh, sinh viên. Theo đó, từ ngày 27/7 đến 9/8, hơn 800 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op (các thương hiệu Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…) tổ chức "Lễ hội dinh dưỡng-Năng lượng đến trường" với hơn 1.000 sản phẩm sữa, sữa tươi, nước uống sữa trái cây, sữa chua, sữa chua trái cây, nước trái cây, thực phẩm bổ sung sữa… được giảm giá từ 20% trở lên; các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, thủy-hải sản… được giảm giá đến 40%. Cùng với đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng giảm giá 30% cho những mặt hàng dụng cụ học tập, quần áo cho các em học sinh, gồm: bình nước học sinh, đèn LED bàn học, bình giữ nhiệt inox, ghế nhựa, bút chì, bộ compa, thước ê-ke, thước kẻ, hộp bút sáp, vỉ bút lông kim, vỉ bút bi, vỉ bút chì gỗ, bộ bảng viết, bộ thước kẻ… Ðây là chương trình nhằm góp phần chuẩn bị sức khỏe tốt và hỗ trợ các em học sinh, sinh viên trước mùa tựu trường đang đến gần. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op chia sẻ: Saigon Co.op sẽ liên tục thực hiện các chương trình ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên cho đến ngày khai trường. Các chương trình bao gồm: Khuyến mãi trực tiếp tại điểm bán; giảm giá dụng cụ học tập; bình ổn giá các mặt hàng mùa khai trường và các hoạt động xã hội dành cho các em học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa ■

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng đầu năm 2023 của thành phố ước đạt 660.011 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 59.956 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, sức mua nhiều nhóm hàng hóa tăng trưởng mạnh như lương thực-thực phẩm (tăng 20,6%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 11,9%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (tăng 26,7%); ô-tô (tăng 41%); xăng, dầu (tăng 19,7%); đá quý, kim loại (tăng 37,7%); sửa chữa xe có động cơ (tăng 77,4%)…

Bảy tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 391.472 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Lĩnh vực bán lẻ hàng hóa có mức tăng trưởng cao chủ yếu là nhờ các hệ thống, doanh nghiệp bán lẻ đã đồng loạt thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá…