Mặc dù vậy, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; trữ lượng và chất lượng nước có dấu hiệu suy giảm…
Tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt cao
Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết: “Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 3.928 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, số lượng công trình hoạt động bền vững chiếm 62%.
Đây là vùng có tỷ lệ công trình hoạt động bền vững cao so với trung bình toàn quốc. Ngoài ra, số lượng công trình hoạt động tương đối bền vững chiếm 35%; công trình hoạt động kém bền vững chiếm 2,5%; công trình không hoạt động chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,5%”.
Qua thống kê, toàn vùng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, tỷ lệ người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam là 79%. Trong đó khoảng 9 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình.
Hiện nay, khu vực này đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, vận hành khoảng 1.150 công trình tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang. Doanh nghiệp tư nhân đang quản lý, vận hành khoảng 1.000 công trình tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Hậu Giang. Đây là hai mô hình hoạt động bền vững hơn các mô hình khác do phương thức quản lý chặt chẽ, hạch toán đầy đủ.
Theo Cục Thủy lợi, trong số các công trình đã đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 3.928 công trình nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm chiếm 70%. Các tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang chủ yếu khai thác nguồn nước mặt.
Ngoài ra, khu vực này hiện có khoảng một triệu hộ sử dụng loại hình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô gia đình. Toàn vùng có khoảng 800 nghìn giếng khoan hộ gia đình, tỷ lệ sử dụng giếng đào phổ biến ở các tỉnh có nguồn nước dưới đất tương đối tốt như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Chất lượng sống của người dân được nâng lên
Theo Cục Thủy lợi, trong số các công trình đã đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 3.928 công trình nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm chiếm 70%. Các tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang chủ yếu khai thác nguồn nước mặt. Tổng công suất cấp của các công trình cấp nước tập trung khoảng 950.000 m3/ngày/đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 67% dân số nông thôn.
Nhân viên Công ty TNHH Cấp thoát nước Ngọc Lợi, xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vận hành cụm lọc nước trọng lực. (Ảnh: Hữu Nghĩa) |
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có hơn 370 trạm cấp nước khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước sạch đến tháng 8/2023 ước đạt 94%.
Khi công trình cấp nước sạch tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng gia đình tôi và cả xóm mừng lắm. Bởi từ bây giờ, nhân dân không còn cảnh dùng nước sông không bảo đảm vệ sinh.
Bà Nguyễn Thị Bé, ngụ ấp Nhứt, xã An Phong
Hai năm trước, nhà máy cấp nước ấp Nhứt xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đưa vào hoạt động giúp hơn 8.000 hộ dân ở hai xã An Phong, Tân Thạnh có nước sạch sử dụng.
Từ khi có nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày, các hộ dân vùng nơi đây không còn cảnh sử dụng nước sông không bảo đảm chất lượng và cuộc sống cũng được nâng lên.
Bà Nguyễn Thị Bé, ngụ ấp Nhứt, xã An Phong, vui mừng cho biết: “Khi công trình cấp nước sạch tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng gia đình tôi và cả xóm mừng lắm. Bởi từ bây giờ, nhân dân không còn cảnh dùng nước sông không bảo đảm vệ sinh".
Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) là xã biên giới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Từ khi có nước sạch sử dụng, nhân dân trên địa bàn phấn khởi bởi không còn phải sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh nữa.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Yến, ngụ ấp 1, xã Thường Lạc, chia sẻ: “Trước khi có nước sạch sử dụng, gia đình tôi dùng nước ở kênh ô nhiễm lắm! Từ ngày có nước sạch dùng, gia đình tôi đã yên tâm hơn và chất lượng sống cũng bảo đảm hơn trước”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết: “Đến nay tỷ lệ số dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9% và tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt gần 73,3%. Tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 tối thiểu có 75% dân số vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch”.
Thách thức do biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, theo dự báo thời gian tới, tại khu vực này nguồn nước bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm, dài hơn; biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt có xu hướng suy giảm về trữ lượng và chất lượng.
Hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 kéo dài gần 5 tháng làm khoảng 200 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng, dẫn đến gần 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Từ đó gia tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt là các địa phương ven biển. Cảnh báo, hạn hạn, xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Điển hình là hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 kéo dài gần 5 tháng làm khoảng 200 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng, dẫn đến gần 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Trên địa bàn huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), đến tháng 8/2023 số hộ nông thôn được cấp nước là hơn 32.780 hộ, đạt gần 93%. Để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các công trình cấp nước tập trung, tuy nhiên việc thực hiện còn khó khăn; một số vùng sâu chưa được cung cấp nước sạch, nhất là những vùng có dân cư thưa.
Ngoài những khó khăn trên, hiện nay việc cấp nước sạch cho nhân dân vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long còn gặp tồn tại do thiếu vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình và mở rộng hệ thống mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn còn hạn chế.
Ngoài ra, nhiều công trình cấp nước tập trung được đầu tư lâu năm đến nay đã giới hạn công suất, gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng, số lượng và khả năng phát triển đấu nối nước mới.
Với hơn 14 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, mục tiêu đến năm 2030 các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh lên 100% và 85% được sử dụng nước sạch.
Nhiều khu vực dân cư nông thôn, vùng sâu, xa có mật độ thấp nên việc đầu tư mở rộng mạng tuyến ống còn hạn chế; các công trình cấp nước quy mô nhỏ do ủy ban nhân dân các xã, tư nhân, cộng đồng quản lý thiếu kinh phí nâng cấp, cải tạo...
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực cấp nước
Với hơn 14 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, mục tiêu đến năm 2030 các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh lên 100% và 85% được sử dụng nước sạch.
Nhân viên Công ty TNHH Cấp thoát nước Ngọc Lợi xã xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vận hành hệ thống máy bơm nước phục vụ nhân dân. (Ảnh: Hữu Nghĩa) |
Tại hội nghị triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Các địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn tập trung phù hợp với đặc thù của vùng và bảo đảm chính sách an sinh xã hội”.
Các địa phương cần từng bước thay thế, kết nối, hòa mạng những công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ xây dựng lâu năm và thiếu các hạng mục xử lý ô nhiễm do ảnh hưởng của nhiễm mặn, sắt, asen...
Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh
Các địa phương, hỗ trợ giá nước sạch nông thôn theo quy định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương để bảo đảm đủ kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành công trình hiệu quả, bền vững; đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư công trình cấp nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu của dự án.
Để bảo đảm nguồn nước cho người dân trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho rằng, các địa phương cần từng bước thay thế, kết nối, hòa mạng những công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ xây dựng lâu năm và thiếu các hạng mục xử lý ô nhiễm do ảnh hưởng của nhiễm mặn, sắt, asen...
Cùng với đó, kết hợp khai thác sử dụng nguồn nước ngọt từ các công trình thủy lợi; luân phiên khai thác các nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung trong thời gian mùa khô, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, mặn phù hợp.
Đồng thời, tận dụng đường ống để sử dụng đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch tập trung quy mô lớn hơn; mở rộng tuyến ống và sử dụng nguồn nước an toàn, bền vững; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình đã có, thay thế dây chuyền lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu suất phục vụ và bảo đảm chất lượng nước cấp đến với nhân dân.
Mặt khác, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; quản lý khai thác, vận hành bền vững công trình cấp nước tập trung.