Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua rà soát, cập nhật tổng hợp nhu cầu sửa chữa năm 2023 và các năm tiếp theo, trên địa bàn có 74 công trình cấp nước sinh hoạt đề nghị cấp kinh phí tu sửa, nâng cấp, cải tạo với kinh phí hơn 67 tỷ đồng.
Hàng trăm công trình đang "đắp chiếu"
Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 412 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.
Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang Lê Hải Nam cho biết: "Sau một thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới, hiện toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực nông thôn. Đến nay, trên địa bàn có 63,9% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn".
Đạt được kết quả này là do tỉnh chú trọng tập huấn cho cán bộ quản lý, vận hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công trình; xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn; xây dựng phương án giá nước và cấp bù giá nước; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và sức khỏe cộng đồng…
Tuy nhiên, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện chỉ có 76 công trình hoạt động bền vững, 53 công trình hoạt động trung bình, 107 công trình kém hiệu quả và 176 công trình không hoạt động. Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang Bùi Chí Thanh cho rằng: "Nguyên nhân là do việc huy động nhân dân tham gia đóng góp có nhiều hạn chế bởi các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư xây dựng ở những vùng khó khăn, kinh tế kém phát triển.
Hơn nữa, nhiều công trình được đầu tư xây dựng đã lâu; nhiều công trình công suất nhỏ, trong khi các thiết bị đầu tư chưa đồng bộ dẫn đến khó đáp ứng được tiêu chuẩn sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, kinh phí duy tu, sửa chữa từ nguồn thu tiền nước không đáp ứng được yêu cầu; tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp sau đầu tư cho nên nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp dẫn đến dừng hoạt động".
Đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2021 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn được đầu tư từ nguồn vốn WB hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho 145 hộ dân. Mặc dù vậy, qua thống kê tỷ lệ người dân sử dụng nước thường xuyên từ công trình này cũng chỉ đạt khoảng 65%.
Hiện nay, mỗi tháng chi phí để vận hành công trình này khoảng sáu triệu đồng nhưng thu chỉ được 1,5 triệu đồng, do vậy phải cấp bù kinh phí duy trì hoạt động cho công trình này nhằm bảo đảm cấp nước tốt nhất cho nhân dân địa phương. Ngoài ra, có công trình cấp nước chỉ phục vụ cho 20 hộ dân, thu tiền cấp nước được 500 nghìn đồng/tháng, nhưng thuê người quản lý mất 700 nghìn đồng.
Thu không đủ bù chi
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, hiện nay các công trình giao cho ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhưng việc tổ chức quản lý, khai thác, vận hành chưa bảo đảm theo quy trình dẫn đến công trình không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời cho nên bị xuống cấp, hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả hoặc dừng hoạt động. Nguyên nhân là do năng lực quản lý, vận hành các công trình do ủy ban nhân dân cấp xã quản lý yếu kém; một số nơi không thu được tiền sử dụng nước hoặc thu chưa đủ bù chi cho sửa chữa, quản lý vận hành.
Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nguồn nước cũng là nhân tố gây tác động xấu đến việc quản lý, sử dụng và khai thác các công trình. Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn Vũ Thành Trung chia sẻ: "Trước đây, trên địa bàn được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Éo, cung cấp nước cho 70 hộ dân trong xã. Sau khi hoàn thành năm 2013, công trình này giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Ninh quản lý, vận hành.
Chỉ sau ba năm sử dụng, công trình đã phải dừng hoạt động vì người dân không trả tiền nước; hơn nữa theo phản ánh của người dân thì chất lượng nước ở công trình không bảo đảm. Do không thu được tiền sử dụng nước dẫn đến không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, vì vậy, công trình này đang bị đề nghị thanh lý bởi dừng hoạt động đã lâu. Hiện nay, người dân thôn Éo đang sử dụng nước giếng khoan, giếng đào".
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang Phạm Văn Toàn cho biết: "Hiện nay, Trung tâm đang quản lý hơn 90 công trình cấp nước. Nhiều công trình trước đây giao cho xã, thôn, bản quản lý sau nhiều năm sử dụng, vận hành không hiệu quả, tỉnh giao lại cho Trung tâm. Khi tiếp nhận, có những công trình đang hoạt động hoặc hoạt động kém, thậm chí đã dừng hoạt động.
Chúng tôi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa những công trình nào hoạt động kém hoặc đã dừng hoạt động. Đến nay, kế hoạch đã lập nhưng tỉnh chưa bố trí được kinh phí cho nên rất khó khăn để đưa vào hoạt động trở lại. Ngoài ra, khi xây dựng giá nước, chúng tôi thực hiện theo đúng quy định và được tỉnh duyệt nhưng cao hơn giá trước đây dân tự thống nhất thu, nhiều người dân không đồng ý, không nộp tiền sử dụng và không dùng, nên sản lượng cấp và doanh thu thấp".
Để bảo đảm các công trình cấp nước mang lại hiệu quả trong thời gian tới, Chi cục trưởng Thủy lợi Bùi Chí Thanh cho rằng: "Các địa phương cần xây dựng phương án quản lý, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp những công trình hoạt động kém hiệu quả để đưa vào khai thác; tuyên truyền nhân dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đóng góp tiền sử dụng nước theo quy định.
Đối với ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý, khai thác công trình cần chủ động bố trí nguồn lực để sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả. Những công trình xuống cấp, bị hư hỏng lớn cần xác định rõ nhu cầu sử dụng nước của người dân, sự cần thiết phải đầu tư, xây dựng kế hoạch cải tạo, phục hồi, sửa chữa, nâng cấp báo cáo cơ quan chức năng để đề xuất đưa công trình vào danh mục đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025"