Nâng cao chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn

Thực hiện Quyết định số 62/2004/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho hàng nghìn hộ dân vùng nông thôn vay vốn để xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp công trình cấp nước sạch và công trình nhà vệ sinh bảo đảm cho gia đình dùng trong sinh hoạt hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống nước sạch của gia đình chị Hoàng Thị Liên ở thôn Mỹ Duệ, xã Tràng An, huyện Bình Lục.
Hệ thống nước sạch của gia đình chị Hoàng Thị Liên ở thôn Mỹ Duệ, xã Tràng An, huyện Bình Lục.

Nhiều năm trước đây, đa số các hộ dân xã Tràng An, huyện Bình Lục phải dùng nước giếng khơi bị nhiễm Asen để sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau gần 20 năm triển khai nguồn vốn vay Nước sạch vệ sinh môi trường từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân trong xã đã có điều kiện đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh bảo đảm. Ðến nay, xã Tràng An đang có 475 hộ dân được vay vốn nước sạch, vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thỏa, thôn Dân Khang Ninh, xã Tràng An, là một trong những gia đình được tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tiên của xã để đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch và hệ thống vệ sinh bảo đảm cho sinh hoạt gia đình. Ông Thỏa phấn khởi cho biết: Nhờ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, gia đình tôi đã xây dựng hệ thống nước sạch và vệ sinh mới thay thế toàn bộ hệ thống nước giếng khơi trước đây. Giờ đây, bà con chúng tôi cảm thấy yên tâm vì được sử dụng nước bảo đảm, hợp vệ sinh hơn.

Năm 2021, gia đình chị Hoàng Thị Liên, thôn Mỹ Duệ, xã Tràng An, huyện Bình Lục xây dựng căn nhà mới khang trang hơn. Trong dịp này, gia đình chị cũng được tiếp cận nguồn vốn vay nước sạch, vệ sinh môi trường từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống nước sạch và vệ sinh. Chị Liên cho biết, trước đây nguồn nước dùng sinh hoạt là nước giếng khơi, chúng tôi đều phải lọc trước khi dùng, tuy nhiên do nguồn nước không bảo đảm, nên các đồ dùng và hệ thống vệ sinh cũng nhanh bị hư hỏng. Nhờ được vay vốn để đầu tư xây dựng hệ thống mới, gia đình có nước sạch để dùng và có công trình vệ sinh môi trường bảo đảm an toàn, sạch sẽ hơn.

Sau gần 20 năm triển khai chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tính đến ngày 21/9/2023, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt 542,3 tỷ đồng với gần 30 nghìn hộ đang còn dư nợ.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân khu vực nông thôn đã được vay vốn để xây dựng hơn 270 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn. Riêng trong chín tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt hơn 106,8 tỷ đồng với hơn 5.300 lượt khách hàng vay vốn để xây dựng hơn 10 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Các hộ được vay vốn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều sử dụng đúng mục đích. Khu vệ sinh được cải tạo, nước sạch đến tận nhà, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, sức khỏe bảo đảm hơn. Các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường là tiêu chí quan trọng để địa phương hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tràng An, huyện Bình Lục đánh giá: Thực tế trước đây mỗi công trình được vay 10 triệu đồng, hai công trình khoảng 20 triệu đồng trên một hộ thì hợp lý, nhưng đến thời điểm này do giá cả vật tư và công lao động đều tăng lên gấp hai lần cho nên chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm, nghiên cứu có thể nâng mức vay với số tiền 25 triệu đồng trên một công trình để các hộ dân có điều kiện xây dựng kiên cố và phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam Trương Quang Huân cho biết: Qua quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi cũng có nhận được một số ý kiến của bà con nhân dân về việc đề nghị với Ðảng, Nhà nước nâng cao hơn nữa mức cho vay đối với mỗi công trình cũng như mở rộng đối tượng được thụ hưởng trên các địa bàn. Vì triển khai các chương trình nông thôn mới, nên có xã đã được nâng cấp thành thị trấn, tuy nhiên, người dân ở các khu vực này vẫn có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình vệ sinh môi trường cũng như công trình nước sạch. Do vậy trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ chuyển ý kiến này lên cấp trên để Ðảng, Nhà nước xem xét.

Nguồn vốn cho vay của chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường đã tác động trực tiếp, thiết thực đến đời sống người dân khu vực nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và nhận thức của người dân, từ bỏ một số tập quán sinh hoạt lạc hậu, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn văn minh, hiện đại.