Gian nan bài toán nước sạch đồng bằng sông Cửu Long (kỳ 1)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần cuối của châu thổ sông Mê Công gồm 13 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha. Đây là vùng có địa hình thấp, giáp biển nên chịu tác động mạnh của thủy triều. Các tháng mùa khô, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc lấy nước sinh hoạt của người dân. Đặc biệt nơi đây đang còn khoảng 45% dân cư sống tản mát ở các vùng nông thôn, vùng ven biển... chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh. Dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc cung cấp nước sạch cho người dân ở khu vực này vẫn đang là bài toán nan giải đối với các ngành chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân vẫn phải sử dụng nước kênh, rạch... lóng phèn trong sinh hoạt.
Người dân vẫn phải sử dụng nước kênh, rạch... lóng phèn trong sinh hoạt.

Kỳ 1: Cửu Long “khát” nước

Đi đến bất kỳ nơi nào ở ĐBSCL, chỉ cần nhìn hàng lu kiệu chứa nước mưa bên cạnh nhà là có thể đoán gia đình đó có bao nhiêu người hay mùa khô nơi đây dài hay ngắn. “Làm sao đủ nước?” từ lâu đã thành câu hỏi đầu tiên trong mọi quyết định với người dân. Bởi chỉ cần bước vào mùa khô, đồng ruộng nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, hạn mặn leo thang... thì “cơn khát” nước ngọt sẽ đẩy cuộc sống người dân vào thế cùng cực.

Ở nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam

Do ba mặt giáp biển nên Cà Mau không thể tiếp cận được nguồn nước mặt từ hệ thống sông Mê Công mà hoàn toàn lệ thuộc vào các mạch nước ngầm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 17% dân số trong tỉnh được sử dụng nước cấp tập trung còn lại 77% vẫn phải sử dụng giếng nước riêng lẻ hộ gia đình. Tuy nhiên nguồn nước này đang bị đe dọa khi bị khai thác quá đà. Vào mùa khô, người dân ở các vùng nông thôn thuộc huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình... buộc phải tập “quen” với chuyện “khát nước”.

Nằm giữa vùng rừng U Minh Hạ, từ trước đến nay xã Khánh Thuận (huyện U Minh) luôn là một địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng. Cũng như bao người dân nơi đây, trước kia nguồn nước gia đình ông Trần Nguyên Quán, một hộ nghèo ở ấp 1 sử dụng đều dựa vào hệ thống kênh, rạch sát nhà. Loại nước này bằng mắt thường cũng nhìn thấy ô nhiễm nên từ vài năm trước, ông Quán tìm cách vay mượn để khoan giếng. “Nước giếng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, vị chua chua lờ lợ… thành ra vẫn phải đi mua nước ngọt. Một thùng nước ngọt giá 12 nghìn đồng, chỉ dùng để ăn, uống cũng hết vài trăm nghìn mỗi tháng. Đành ráng mua chứ nước nhiễm mặn dữ lắm, không xài được!”, ông Quán than thở.

Xã Khánh Thuận hiện có 2.491 hộ với 14.405 nhân khẩu, tỷ lệ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh mới chỉ đạt 40% dân số. Ông Hồ Tư Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận trăn trở: Với địa hình sông ngòi chằng chịt, người dân sống không tập trung, để đầu tư hệ thống nước kéo đến từng nhà thì cần nguồn vốn lớn làm nhà máy công suất mạnh. Còn hiện tại, người dân phụ thuộc vào nước giếng nhưng một số ấp nước khoan bơm lên toàn phèn. Nước mưa dự trữ chỉ đủ duy trì ít ngày mà mùa khô thì kéo dài nên nước sạch luôn là vấn đề nan giải ở địa phương.

Đi dọc mảnh đất ở nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam, vào mùa hạn, mỗi ngày đều xuất hiện cảnh người dân gồng gánh kéo nhau mang xô, bình, khạp, phuy, bồn… xếp hàng tại các trạm cấp nước. Giao thông chia cắt, để chở nước về nhà còn phải băng qua đường sông, đường bộ, vất vả bội phần. Tuy nhiên, cũng có những hộ dân dù sống ngay cạnh trạm nước nhưng không có nước sạch để dùng. Chị Lê Mỹ Lệ (ấp 20, xã Khánh Thuận) lắc đầu ngao ngán: Ba năm nay trạm nước hư hỏng, mình đành phải quay về xài nước ao, nước hồ rồi tích trữ nước mưa. Biết là không bảo đảm vệ sinh nhưng giờ còn biết trông chờ vào đâu để có nước sạch nữa?

Năm 2016, xã Khánh Thuận được Nhà nước đầu tư ba trạm cấp nước trị giá 500 triệu đồng/trạm, nhằm đáp ứng nhu cầu cho 250 hộ dân ở các địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay cả ba trạm đều trong tình trạng đắp chiếu bỏ hoang. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau, trong 247 công trình cấp nước tập trung thì có 32 công trình hoạt động thiếu bền vững và 60 công trình không còn hoạt động khiến bình quân chỉ tiêu nước sạch cho người dân chỉ đạt 25%. Ông Lê Công Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Cà Mau cho biết: “Các công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động chủ yếu là các công trình có quy mô công suất nhỏ, được đầu tư nhiều năm trước do UBND cấp xã và cộng đồng quản lý. Ðây là các khu vực dân cư không tập trung, điều kiện khó khăn về kinh tế - xã hội, nhận thức của người dân về nước sạch còn hạn chế, tiền nước thu được không đủ để bù đắp chi phí quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng khiến số lượng các công trình xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động tăng lên theo thời gian”.

Nước sạch cho người dân trong mùa nắng hạn thật sự là bài toán khó cho ngành cấp nước Cà Mau.

Một thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số 13 triệu dân ở nông thôn vùng ĐBSCL có khoảng tám triệu người sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, năm triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình từ giếng khoan, dụng cụ trữ nước mưa, từ kênh, rạch, ao, hồ. Toàn vùng có khoảng 3.900 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó hàng trăm công trình hoạt động không hiệu quả hoặc ngưng hoạt động.

Khan hiếm nước ngọt... toàn vùng

Khác với Cà Mau, tỉnh Bến Tre có nguồn nước mặt dồi dào được cung cấp từ bốn nhánh sông Cửu Long (gồm sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên) nhưng do nằm ở cuối nguồn, giáp biển nên vào các tháng mùa khô, nước bị nhiễm mặn nặng. Dẫn chúng tôi ra ao trữ nước của gia đình, bà Nguyễn Thị Ánh (ấp Xẻo Sâu, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) chỉ vào nguồn nước nhờ nhợ mầu phù sa và cho biết, hằng ngày nguồn nước này được đánh phèn để dùng cho sinh hoạt. “Nước từ sông chảy vô, có sao dùng vậy, gặp mùa nước ngọt còn đỡ chứ nhiễm mặn mình cũng phải xài. Chưa kể giờ người ta chăn nuôi, làm chuồng heo tùm lum xả ra các kênh, rạch. Dùng nước đó tắm xong là bị ngứa, nhiều hôm sau bữa ăn cả nhà đau bụng đi cầu tiêu...”, bà Ánh kể.

Hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng nước cấp tập trung từ nhà máy trên địa bàn Giồng Trôm chỉ đạt hơn 60%, tương đương khoảng 30 nghìn hộ. Số còn lại chủ yếu bà con sử dụng nguồn nước mưa, kênh rạch lắng lọc lại để ăn uống, sinh hoạt. Do xu hướng phát triển hiện nay nguồn nước này cũng không bảo đảm an toàn. Chia sẻ về những khó khăn trong việc cấp nước sạch cho người dân, ông Lê Văn Nhân, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho biết: Ngoài những bất lợi về tự nhiên, khó khăn trong cấp nước sạch hiện nay đến từ hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là từ các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường hoạt động bằng nguồn vốn sự nghiệp nên còn eo hẹp, khó đẩy mạnh đầu tư. Thứ hai là do tập quán sinh sống của bà con gắn liền với thửa đất mình sản xuất, thiếu sự tập trung nên đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước vô cùng tốn kém, không khả thi.

Đánh giá về tình trạng thiếu nước sạch ở ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng, khách quan là do biến đổi khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn, nguồn nước bị suy thoái và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan đến từ hậu quả của việc sử dụng nước thiếu kiểm soát, các hoạt động khoan giếng diễn ra bừa bãi làm thẩm thấu nước mặn vào tầng nước ngầm; chất lượng một số công trình cấp nước tập trung xuống cấp, quy mô nhỏ, công nghệ xử lý lạc hậu, hoặc không có hạng mục xử lý… Ðiều này đang làm tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu tại cửa sông ở các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh.

Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vùng ĐBSCL là nơi thường xuyên xảy ra xâm nhập mặn. Hằng năm đến mùa hạn hán, nước mặn xâm nhập hàng chục km vào đất liền ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước ngọt. Thời kỳ hạn hán, khoảng 40 - 50% các vùng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Trong khi đó, tỷ lệ nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung mới đạt 30% nhu cầu, cá biệt một số địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người dân. Giải pháp về công nghệ xử lý nước sạch thì có nhưng cần nguồn kinh phí quá lớn, vượt qua khả năng của các địa phương.

(Còn nữa)