Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn, miền núi

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chuyên môn, tỷ lệ người dân Hà Tĩnh dùng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung mới chỉ đạt khoảng 23,4%. Đặc biệt, tại các khu vực nông thôn, miền núi, mức độ “phủ sóng” của hệ thống cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn còn khiêm tốn hơn nhiều. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện các dự án xây dựng công trình nước sạch tập trung, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn (Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh) vận hành hệ thống cấp nước.
Công nhân Chi nhánh Cấp nước Hương Sơn (Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh) vận hành hệ thống cấp nước.

Khoảng trống ở khu vực miền núi

Nước sạch là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì sự tồn tại, phát triển của đời sống xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch đến với các vùng nông thôn, miền núi, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được các cấp, ngành chung tay tháo gỡ.

Theo kế hoạch được ban hành, đến năm 2025 các tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ phấn đấu có tỷ lệ dân được dùng nước sạch ở các xã vùng III tối thiểu là 35% (trong đó 15% cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung), các xã không thuộc vùng III tương ứng là 45% và 20%...

Tuy vậy, thực tiễn và nhu cầu sử dụng nước thì tỷ lệ người dân nông thôn, miền núi được dùng nước sạch đạt quy chuẩn đang khá khiêm tốn. Tại khu vực miền núi, nơi có mật độ dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi chia cắt việc xây dựng các công trình cấp nước tập trung chi phí đầu tư rất cao, trong khi điều kiện kinh tế người dân còn thấp, việc đóng góp kinh phí đối ứng gặp nhiều khó khăn. Do đó, số người dân được sử dụng nguồn nước sạch từ các nhà máy cấp nước tập trung rất ít.

Đơn cử, tại huyện miền núi Hương Sơn, từ nhiều đời nay, bà con vẫn sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan, nước khe suối qua lắng lọc hoặc dùng máy lọc nước RO quy mô hộ gia đình để phục vụ sinh hoạt. Nguồn nước này được công nhận là nước hợp vệ sinh nhưng chưa đủ tiêu chuẩn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung theo quy định của bộ tiêu chí mới.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn cho biết, trên địa bàn huyện Hương Sơn hiện chỉ có hai nhà máy cấp nước tập trung tại thị trấn Tây Sơn và thị trấn Phố Châu và một nhà máy nước hiện đang xây dựng là nhà máy nước Khe Cò – Sơn Lễ. Tại nhiều xã có nguồn nước kém, bị nhiễm phèn như Sơn Lễ, Sơn Thịnh, An Hòa Thịnh, nhu cầu người dân sử dụng nước sạch cao nhưng do kinh phí xây dựng nhà máy nước sạch lớn, nằm ngoài khả năng của xã nên vẫn chưa thể triển khai được.

Tình trạng thiếu mạng lưới cung cấp nước sạch tập trung, khiến bà con phải sử dụng nước kém chất lượng cũng diễn ra ở các khu vực nông thôn, miền núi của các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh…

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy Lợi Hà Tĩnh, do nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình nước sạch còn hạn chế, trong khi đó nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung khá lớn, do vậy các địa phương rất khó huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung.

Số liệu thống kê từ Chi cục Thủy Lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh) cho thấy, tỷ lệ người dân Hà Tĩnh dùng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung là hơn 23,4%, tương ứng với 68.265 hộ/290.875, trong đó chủ yếu là các hộ dân sống chủ yếu ở thành phố, thị trấn và thị tứ của các địa phương. Còn tỷ lệ người dân được sử dụng hệ thống nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn và miền núi rất thấp.

Nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân nông thôn, miền núi ảnh 1

Các đơn vị cung ứng nước sạch ở Hà Tĩnh mở rộng đường ống để phục vụ tốt nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn, miền núi.

Tìm cách “gỡ khó”

Theo ông Hồ Đình Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Hà Tĩnh, hiện nay Trung tâm đang quản lý 7 công trình nước sạch với tổng công suất 14.300 m3/ngày đêm. Ngoài ra, có một số công trình nước sạch do các xã đang quản lý, vận hành và 9 mạng lưới của Công ty cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh mở rộng.

Việc cung cấp nước sạch gặp một số khó khăn như các công trình xây dựng đã lâu, quá trình di dời đường ống ảnh hưởng đến quy trình cấp nước. Chi phí phục vụ việc vận hành và cấp nước cao, tuy nhiên mức sử dụng của các hộ dân nông thôn, miền núi còn rất ít. Để đạt được tỷ lệ 50% hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn.

Theo Nghị quyết số 94 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 về phân bổ nguồn vốn, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ triển khai xây dựng 17 công trình cấp nước sạch nông thôn, dự kiến số người dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước nông thôn tập trung được tăng thêm 39.973 hộ. Ngoài ra, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 3 công trình nước sạch hiện có sẽ cấp thêm cho 3.804 hộ dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng đề xuất, đối với các huyện miền núi có địa bàn rộng, bị chia cắt; việc đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho các xã tốn rất nhiều kinh phí, vì vậy tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp đồng hành, đầu tư các nhà máy cấp nước tập trung theo hình thức xã hội hóa.

Với mong muốn giải “cơn khát” nước sạch cho đồng bào sống ở vùng dân tộc thiểu số, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng công trình nước sạch tập trung đã được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư tại Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 11/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh hoàn thành cấp nước cho các xã trong năm 2023. Đối với các dự án xây dựng công trình cấp nước tập trung đã phê duyệt danh mục xúc tiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện pháp lý theo các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai và quy định khác có liên quan để kêu gọi nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa và mở rộng mạng lưới các công trình cấp nước sạch nông thôn, miền núi.