Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt

NDO - Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng phải có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào khai thác

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng phải có phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia.

Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Để làm rõ trách nhiệm và tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu đoàn Bình Định nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật.

Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường sáng 26/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước… Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định chặt và cũng rất rộng.

Đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan.

Đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.

Phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt

Phát biểu ý kiến ở hội trường, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều vấn đề về kết cấu, nội dung cụ thể của điều luật, làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới từ thực tiễn quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này...

Theo đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt ảnh 2

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh cần quan tâm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó cũng bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân.

Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông.

Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.