(Tiếp theo và hết) (*)

Nỗ lực cung cấp nước sinh hoạt cho người dân

Bài 2: Không để thiếu nước trong mùa khô

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trong sinh hoạt và sản xuất được bảo đảm. (Ảnh SƠN QUÊ)
Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trong sinh hoạt và sản xuất được bảo đảm. (Ảnh SƠN QUÊ)

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng công tác cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Trong đó, phải kể đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt khu vực này đang có xu hướng suy giảm về trữ lượng và chất lượng; xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm và dài hơn; ô nhiễm nguồn nước mặt và thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn còn hạn chế…

Hiện nay, hầu hết chất lượng nước ở đồng bằng sông Cửu Long được cung cấp từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn bảo đảm đạt quy chuẩn. Tuy vậy, thời gian gần đây, một số công trình cấp nước nguồn nước thô bị ô nhiễm cục bộ, tác động tiêu cực đến chi phí sản xuất và chất lượng nước sau xử lý.

Trữ lượng, chất lượng nước suy giảm

Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết: “Toàn vùng hiện có 3.928 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, số lượng công trình hoạt động bền vững chiếm 62%. Đây là vùng có tỷ lệ công trình hoạt động bền vững cao so với trung bình toàn quốc. Ngoài ra, số lượng công trình hoạt động tương đối bền vững chiếm 35%; công trình hoạt động kém bền vững chiếm 2,5%; công trình không hoạt động chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,5%”.

Tuy nhiên, theo dự báo thời gian tới, tại khu vực này nguồn nước bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm, dài hơn; biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt có xu hướng suy giảm về trữ lượng và chất lượng.

Từ đó gia tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt là các địa phương ven biển. Đồng thời, các hiện tượng thiên nhiên dị thường, cực đoan như: Hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Điển hình là hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 kéo dài gần 5 tháng làm khoảng 200 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng, dẫn đến gần 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Mặt khác, tình trạng sụt lún đất tại khu vực này do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức (mức độ sụt lún từ 0,5 đến 3cm/năm). Trong khi đó tỷ lệ nước biển dâng khoảng 0,3cm/năm khiến ngập lụt gia tăng, tiêu thoát nước gặp khó khăn, mức độ ô nhiễm nguồn nước và môi trường khó kiểm soát hơn.

Ngoài ra, đại diện Cục Thủy lợi cho biết, công tác cấp nước sạch cho nhân dân vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long còn gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình và mở rộng hệ thống mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn còn hạn chế; thiếu nguồn vốn để thực hiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tại một số địa phương.

Ngoài ra, nhiều công trình cấp nước tập trung được đầu tư lâu năm đã giới hạn công suất, gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng, số lượng, cung cấp dịch vụ và khả năng phát triển đấu nối nước mới; nhiều khu vực dân cư nông thôn, vùng sâu, xa có mật độ thấp nên việc đầu tư mở rộng mạng tuyến ống còn hạn chế; các công trình cấp nước quy mô nhỏ do ủy ban nhân dân các xã, tư nhân, cộng đồng quản lý thiếu kinh phí nâng cấp, cải tạo...

Tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), số hộ nông thôn được cấp nước đến tháng 8/2023 là hơn 32.780 hộ, đạt gần 93%. Mặc dù thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt bằng, phương án thi công để đẩy nhanh tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch nhưng việc thực hiện còn khó khăn. Cùng với đó, một số vùng sâu chưa được cung cấp nước sạch, nhất là những vùng có dân cư thưa.

Ngay như tỉnh Vĩnh Long, việc đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn có chi phí lớn hơn nhiều so với khu đô thị do xa nguồn cấp, dân cư thưa nên ảnh hưởng đến thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn của địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Lê Văn Dũng: “Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 để đạt được tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới”.

Xã hội hóa trong cấp nước sạch

Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch, Cục Thủy lợi cho rằng, các địa phương cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình đã có, thay thế dây chuyền lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu suất phục vụ và bảo đảm chất lượng nước cấp đến với nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cảnh báo, dự báo mưa lũ, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước trong quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; quản lý khai thác, vận hành bền vững công trình cấp nước tập trung; tăng cường giám sát, kiểm tra quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung sau đầu tư; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của công trình cấp nước tập trung để có phương án giao, chuyển cho đơn vị có năng lực kinh nghiệm bảo đảm phát huy hiệu quả công trình.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Các địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn tập trung phù hợp với đặc thù của vùng và bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, hỗ trợ giá nước sạch nông thôn theo quy định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương để bảo đảm đủ kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành công trình hiệu quả, bền vững, nhất là nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Các tỉnh, thành phố cần ưu tiên ngân sách của địa phương kết hợp ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư công trình cấp nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu của dự án”.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới ở khu vực này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Tuy vậy, việc thực hiện tiêu chí nước sạch đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để bảo đảm các tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn từng vùng, địa phương, để mọi người dân nông thôn đều được tiếp cận và sử dụng nước sạch an toàn với chi phí hợp lý, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị Cục Thủy lợi đẩy nhanh các thủ tục liên quan để Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Đồng thời, phối hợp Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương rà soát, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch trong hướng dẫn thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời trình Bộ ban hành ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 9/10/2023.