Nỗ lực cung cấp nước sinh hoạt cho người dân

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, công tác cấp nước sạch nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được chú trọng đầu tư, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; những chương trình, dự án ODA. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, đã giúp tỷ lệ người dân khu vực này được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh tương đối cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Công ty TNHH Cấp thoát nước Ngọc Lợi (xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) vệ sinh hệ thống lọc nước.
Nhân viên Công ty TNHH Cấp thoát nước Ngọc Lợi (xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) vệ sinh hệ thống lọc nước.

Bài 1: Bảo đảm nhu cầu thiết yếu

Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều công trình cấp nước tập trung sau khi đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt, giúp nâng cao chất lượng sống cho nhân dân; đồng thời cũng góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu về nước sạch trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Với hơn 14 triệu người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, mục tiêu đến năm 2030, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh lên 100% và 85% được sử dụng nước sạch.

Niềm vui khi có nước sạch

Cách đây hai năm, Công ty TNHH Cấp thoát nước Ngọc Lợi, ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) chính thức đưa nhà máy cấp nước ấp Nhứt vào hoạt động với kinh phí đầu tư gần chín tỷ đồng, mang đến niềm vui cho hơn 8.000 hộ dân ở hai xã An Phong, Tân Thạnh của huyện. Với công suất cấp nước giai đoạn một là 2.500 m3/ngày, đêm, đây là nhà máy xử lý nước mặt thứ hai trên địa bàn huyện.

Từ khi có nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày, các hộ dân vùng nông thôn này không còn cảnh sử dụng nước sông không bảo đảm chất lượng và cuộc sống cũng được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Bé, ngụ ấp Nhứt, xã An Phong, phấn khởi cho biết: “Trước đây, do không có công trình cấp nước phục vụ nên gia đình tôi phải dùng nước sông để sinh hoạt hằng ngày. Cả nhà luôn lo ngại vì nguồn nước bị ô nhiễm bởi chung quanh nhiều rác, vỏ chai, túi ni-lông. Nhưng khi công trình cấp nước sạch tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng, gia đình tôi và cả xóm mừng lắm! Hiện nay, gia đình một tháng đóng tiền nước chưa tới 100 nghìn đồng mà không còn lo phải dùng nước ô nhiễm nữa”.

Giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước Ngọc Lợi, ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình Trần Ngọc Lợi cho biết: “Tôi thấy tại địa phương ô nhiễm nguồn nước quá nhiều, trong khi nước sạch là thiết yếu đối với người dân. Nếu cứ để người dân sử dụng nguồn nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì vậy, đầu tư nhà máy cấp nước, mục đích của chúng tôi là phục vụ cho bà con quê hương Thanh Bình có được nguồn nước sạch để sử dụng”.

Nỗ lực cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ảnh 1

Đại diện Cục Thủy lợi kiểm tra trạm cấp nước tập trung ở huyện Phước Long (Bạc Liêu).

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, tỷ lệ người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam là 79%. Trong đó, khoảng chín triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, năm triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình. Tổng công suất cấp của các công trình cấp nước tập trung khoảng 950.000 m3/ngày, đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 67% dân số nông thôn.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có hơn 370 trạm cấp nước khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước sạch đến tháng 8/2023 ước đạt 94%. Toàn tỉnh có hơn 60 trạm cấp nước mặt có công suất hoạt động lớn từ 1.000 m3/ngày, đêm trở lên, vị trí đặt trạm tại các kênh, sông có nguồn nước dồi dào, chất lượng nước đầu vào tốt, công nghệ xử lý đa số đều đạt chất lượng theo quy chuẩn. Tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt 98%.

Tại Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tấn Cận cho biết: “Đến nay, tỷ lệ số dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9% và tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt gần 73,3%. Tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu có 75% dân số vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung”.

Thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới

Theo Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh, qua báo cáo của 11 địa phương (Hậu Giang và An Giang không có báo cáo), trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 xây dựng 114 công trình cấp nước sạch với kinh phí 1.449 tỷ đồng.

Toàn vùng có 1.090 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, bằng 87%, đứng thứ ba trong cả nước. Trong đó, một số địa phương thực hiện đạt kết quả cao như: Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc Liêu đạt 100%. Ngoài ra, ở khu vực này, số xã đạt được chỉ tiêu về nước sạch trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới cũng đạt khá cao, trong đó nhiều địa phương như: Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu đạt 100%.

Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) là xã biên giới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề nông, buôn bán, làm thuê. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng niềm vui lớn nhất đối với bà con nơi đây là nước sạch đã về đến tận nhà. Có nước sạch, bà con không còn chịu cảnh dùng nước sông, kênh, rạch qua xử lý bằng phèn chua để dùng.

Chị Nguyễn Thị Yến, ngụ ấp 1, xã Thường Lạc chia sẻ: “Trước đây, bao thế hệ gia đình tôi dùng nước dưới kênh vất vả lắm! Nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm với nhiều rác thải, nước xả từ đồng ruộng ra. Sử dụng nước ô nhiễm, tôi thường bị đau bụng, da nổi đỏ. Từ ngày có nước sạch dùng, cả nhà tôi mừng lắm, đến nỗi cả nhà cứ ra vào xem vòi nước hoài”.

Hiện nay, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) có 10/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng tất cả số xã trên địa bàn đều đạt tiêu chí nước sạch nông thôn. Toàn huyện hiện có 22 trạm cấp nước đang hoạt động, trong đó có 20 trạm cấp nước cho khu vực nông thôn. Toàn huyện có bảy nhà máy được đầu tư nâng cấp hoạt động với công suất từ 1.500 đến 2.500 m3/ngày, đêm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Đức Hiền cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư trạm cấp nước sạch; phấn đấu thời gian tới tất cả người dân khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”.

Đại diện Cục Thủy lợi cho biết, kết quả cấp nước sạch tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt được khá cao so với mặt bằng chung của cả nước đã góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu về nước sạch trong đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Các công trình sau khi được đầu tư phần lớn được tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững và tương đối bền vững. Nhằm tăng tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch, Cục Thủy lợi lưu ý các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ở những nơi đã có mạng lưới cấp nước; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong quản lý các công trình cấp nước để bảo đảm vận hành hiệu quả, bền vững; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc quản lý vận hành các công trình do không có nhân viên vận hành hoặc nhân viên vận hành kém.

(Còn nữa)