Chuyện giảm nghèo ở “lõi nghèo” Lào Cai

Lào Cai có chín huyện, thị xã, thành phố thì có đến bốn huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Để giúp đồng bào sống ở các khu vực “lõi nghèo” (gồm 10 xã nghèo nhất của bốn huyện) có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Bà con dân tộc thôn Ma Ngán, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương (Lào Cai) tích cực chuyển sang trồng chè để thoát nghèo.
Bà con dân tộc thôn Ma Ngán, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương (Lào Cai) tích cực chuyển sang trồng chè để thoát nghèo.

Trong số 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, thì có tới năm xã là La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngài Chồ, Dìn Chin và Lùng Khấu Nhin... nằm trên địa bàn huyện Mường Khương.

Nỗ lực xóa nghèo ở lõi nghèo

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lùng Khấu Nhin Lèng Seo Chẻo cho biết, xã có 684 hộ dân, với 3.376 nhân khẩu. Năm 2023, xã có tới 387 hộ nghèo, chiếm 56,5% số hộ, nay tỷ lệ nghèo đã giảm đi, nhưng vẫn còn tới 332 hộ nghèo, chiếm 48,53%. Con đường thoát nghèo của người dân địa phương chủ yếu là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Cụ thể là, chuyển từ trồng ngô, lúa nương sang trồng cây chè, cây quýt; chuyển từ nuôi trâu giá trị thấp sang nuôi ngựa, chuyển từ nuôi gia cầm sang nuôi lợn đen có giá trị hơn.

Rời xã Lùng Khấu Nhin, chúng tôi đến một “lõi nghèo” khác ở huyện Mường Khương là xã La Pan Tẩn. Xã có chín thôn, với 648 hộ và 3.515 nhân khẩu. Thời điểm năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo cao nhất lên đến hơn 69%, đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 52,25%.

Theo Bí thư Đảng ủy xã La Pan Tẩn Hoàng Văn Thủy, phương thức thoát nghèo tại đây là vận động người dân trồng chè, nuôi lợn đen - những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hơn so với trước đây. Đơn cử như việc nuôi lợn đen trước đây chỉ nhỏ lẻ, manh mún, nay mở rộng quy mô bằng cách xây dựng mô hình “gia trại” quy mô từ 20-30 con, vì thế từ đàn lợn đen từ 1.000 con, nay đã lên hơn 4.000 con.

Anh Sùng Thắng ở thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn cho biết, gia đình anh gồm sáu nhân khẩu đã thoát nghèo thành công từ cuối năm 2023 vì chuyển sang nuôi lợn đen. Mỗi năm gia đình anh xuất khoảng một tấn thịt lợn đen, thu về 60-70 triệu đồng, rồi chuyển đổi 0,6 ha trồng ngô sang trồng chè cũng thu hoạch xấp xỉ 20 triệu đồng, như vậy tổng thu nhập của gia đình mỗi năm ngót nghét 100 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với trước đây...

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho rằng: Tỉnh Lào Cai luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh đạt hơn 5%/năm. Năm 2021, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 25,19%, thì đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 14,94%. Để đạt được những thành công nêu trên, Lào Cai đã có những đột phá và sáng tạo trong công tác giảm nghèo.

Trước hết, trong công tác chỉ đạo điều hành, tỉnh đã cụ thể hóa nhiều giải pháp, chính sách để triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là 18 đề án trọng tâm của Tỉnh ủy giai đoạn 2020-2025, trong đó có Đề án số 10 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỉnh tập trung chỉ đạo, giải pháp cho vùng lõi nghèo như Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với 37 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên; Kế hoạch số 239/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.

Ngoài ra, Tỉnh ủy còn ban hành Quyết định số 148/QĐ-TU phân công Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình tổ chức cơ sở đảng và giúp xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phân công lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tiếp theo là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Mặt khác, tỉnh đã ban hành hơn 63 chính sách, với nguồn lực bố trí bình quân hằng năm hơn 800 tỷ đồng để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững...

Khát vọng thoát nghèo

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hải Anh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lào Cai: Các cấp, các ngành cần đặt nhiệm vụ giảm nghèo trong tổng thể tăng trưởng kinh tế, với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, bảo đảm phúc lợi xã hội và các dịch vụ công cơ bản; gắn liền với phát triển sản xuất, kinh doanh; từng bước nâng cao mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy có rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo, xóa nghèo, nhất là ở vùng “lõi nghèo”, vì Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo so với mặt bằng chung của cả nước, khó khăn về cân đối ngân sách, đầu tư cho phát triển cơ bản phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương; thiên tai thường xuyên xảy ra, hộ nghèo chủ yếu tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi các điều kiện khó khăn, thiếu việc làm lại tập trung vùng này, vì vậy điều kiện để thoát nghèo gặp nhiều khó khăn và luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo...

Để giảm nghèo, xóa nghèo bền vững, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai (là người đỡ đầu cho 1/10 xã nghèo nhất Lào Cai là xã Lùng Khấu Nhin), nhấn mạnh một số điểm:

Một là, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, của bí thư chi bộ, sự tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã, trong thôn, bản huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xã.

Hai là, đề cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác xóa nghèo. Cấp ủy, các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động thông qua tổ tuyên truyền, ban tuyên vận, với tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong vận động người dân nhận thức được và thấy được trách nhiệm của mình trong xây dựng thôn, bản thoát nghèo, từng hộ dân thoát nghèo.

Ba là, có tư duy mới, cách làm khác trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ tạo thành chuỗi liên kết với các địa phương khác, với các doanh nghiệp chung tay xây dựng, củng cố và phát huy tổ hợp tác xã, mô hình hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ, trong quảng bá sản phẩm.

Bốn là, huy động tối đa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp... Sử dụng hiệu quả, lồng ghép nguồn vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy những lĩnh vực cần vốn, cần đầu tư; coi nguồn vốn Nhà nước là vốn mồi, vốn dẫn dắt các kênh đầu tư khác.

Năm là, nghiên cứu cơ chế, chính sách về vốn, về viễn thông, về sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tạo động lực để người dân, hợp tác xã có điều kiện vươn lên trong phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt; phát huy vai trò liên kết nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm đầu ra sản phẩm địa phương...

Có hai yếu tố quan trọng để thực hiện giảm nghèo đó là: Nhà nước tạo động lực giảm nghèo thông qua các chính sách phát triển kinh tế-xã hội và ý chí vượt nghèo của người dân. Muốn vậy, vấn đề nghiên cứu chính sách thoát nghèo cho các địa phương nghèo và làm cho người dân nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện các chương trình giảm nghèo là rất quan trọng. Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra phải được thực hiện xuyên suốt trong các hoạt động giảm nghèo của địa phương...