Cùng suy ngẫm

Tăng cường kiểm tra, giám sát phương tiện, lao động trên biển

Vụ tai nạn chìm tàu kéo, sà-lan nghiêm trọng tại vùng biển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mới đây khiến ít nhất chín người chết, mất tích. Điều đáng chú ý là số người chết và mất tích nhiều hơn số người đăng ký đi trên tàu.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tìm kiếm thuyền viên mất tích.
Lực lượng chức năng tìm kiếm thuyền viên mất tích.

Ngoài năm thuyền viên chính thức của tàu mất tích, còn bốn thuyền viên chết được tìm thấy gần nơi xảy ra tai nạn không có tên trong danh sách đi tàu. Câu chuyện một lần nữa cho thấy còn nhiều khoảng trống trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng biển, các thiết bị, phương tiện thi công công trình trên biển.

Trưa 23/4/2024, tàu kéo LA-06695 và sà-lan LA-06883 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lý Tuấn (ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thủ tục xuất bến tại cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam vận chuyển đá hộc đi huyện đảo Lý Sơn thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình. Danh sách thuyền viên có năm người. Đến bốn giờ sáng ngày 24/4/2024, tàu kéo và sà-lan gặp nạn khi cách đảo Lý Sơn ba hải lý. Lực lượng chức năng tìm kiếm vớt được bốn thi thể, gồm: Trần Minh Phúc (quê ở tỉnh Quảng Ngãi), Võ Như Song (quê ở tỉnh Tiền Giang) và Đặng Văn Ước, Đặng Văn Nhung (cùng quê ở tỉnh Long An). Những người này không có tên trong danh sách thuyền viên nhưng lại đi trên tàu kéo LA-06695 và sà-lan LA-06883 rời cảng Kỳ Hà.

Đây là vụ việc nghiêm trọng khi có đến chín người chết, mất tích. Các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tổ chức tìm kiếm năm thuyền viên mất tích và vào cuộc điều tra vụ tai nạn. Theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, tàu kéo LA-06695 và sà-lan LA-06883 đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đúng quy định đối với phương tiện thủy nội địa về đăng ký hành trình, số lượng thuyền viên, chứng chỉ hành nghề…

Đồng thời, cơ quan liên quan cũng thực hiện đủ trình tự thủ tục, kiểm tra các điều kiện trước khi cho phép phương tiện rời bến vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, số thuyền viên thực tế đi trên tàu cao hơn số người đăng ký chính thức. Những thuyền viên này đã trốn tránh khi cơ quan chức năng kiểm tra và cấp phép.

Thực tế tại nhiều cảng cá, cảng biển tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh miền trung nói chung, mỗi ngày có hàng nghìn lượt tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản ra, vào cảng. Bên cạnh đó, tàu, sà-lan, boong-ke, thiết bị thi công dự án, công trình trên biển như đê, kè, hạ tầng ở các huyện, xã đảo cũng thường xuyên ra, vào cảng biển.

Trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng chủ phương tiện vận tải biển, doanh nghiệp, ngư dân, thuyền viên chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật, hướng dẫn của ngành chức năng.

Tùy theo phương tiện, thiết bị thủy nội địa, vận tải hàng hải sẽ có những quy định khác nhau để bảo đảm an toàn khi lao động, sản xuất trên biển. Các doanh nghiệp, chủ phương tiện, ngư dân, thuyền viên hành nghề thi công dự án, công trình trên biển phải bảo đảm đúng thành phần, chứng chỉ, bằng cấp hành nghề, hành trình đăng ký… mới được cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng chủ phương tiện vận tải biển, doanh nghiệp, ngư dân, thuyền viên chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật, hướng dẫn của ngành chức năng. Nhiều phương tiện vận tải biển thiếu thông tin liên lạc, thiếu trang thiết bị an toàn kỹ thuật, đăng ký khai báo không chính xác vùng hoạt động, không tập huấn kỹ năng an toàn cho thuyền viên. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất trên biển.

Trong khi đó, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, kiểm tra phương tiện vận tải biển, điều kiện hành nghề của các lao động trên biển nhưng tình trạng lao động “chui” trên tàu thuyền, phương tiện vận tải biển vẫn xảy ra. Các lao động, thuyền viên, ngư dân trốn tránh cơ quan chức năng khi làm thủ tục, kiểm tra tàu thuyền khi xuất bến. Các đơn vị quản lý không kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình hành nghề.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy định về quản lý an toàn lao động trên biển; tiếp tay, bao che cho người lao động, thuyền viên vi phạm khi hoạt động “chui”. Vì tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí, các chủ phương tiện tàu thuyền, doanh nghiệp đưa thuyền viên, công nhân không đủ điều kiện đến làm việc, thi công công trình trên biển. Đồng thời, có tình trạng thuyền viên, ngư dân cho các doanh nghiệp, đơn vị thi công, công nhân thuê, mượn chứng chỉ, bằng cấp hành nghề trên biển như thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy, thủy thủ để qua mặt các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Để hạn chế tai nạn lao động trên biển, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân lao động, sản xuất trên biển; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát phương tiện, thiết bị, người lao động ra, vào cảng, đặc biệt là tàu thuyền khai thác hải sản, thiết bị thi công dự án, công trình trên biển; cần tăng cường cảnh báo ngư dân, chủ phương tiện tàu thuyền phòng tránh không để xảy ra tai nạn trên biển; triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện hoạt động trên biển, bảo đảm trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, đầy đủ thủ tục giấy tờ, hoạt động đúng ngành nghề, đúng vùng biển được phép hoạt động. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng.