Bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền mùa mưa bão

Tỉnh Bình Thuận đã huy động nhiều nguồn kinh phí triển khai xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão, trở thành điểm đến an toàn cho nhiều tàu, thuyền của các tỉnh khác hoạt động trên ngư trường.
0:00 / 0:00
0:00
Khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng - cảng cá Phú Hải đưa vào hoạt động giúp tàu, thuyền an toàn mỗi khi có bão.
Khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng - cảng cá Phú Hải đưa vào hoạt động giúp tàu, thuyền an toàn mỗi khi có bão.

Là địa phương có số lượng tàu, thuyền lớn, việc đầu tư, xây dựng cảng cá có ý nghĩa rất lớn với nghề khai thác hải sản của Bình Thuận.

Nhu cầu bức xúc

Để hình thành khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu, thuyền tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa 14) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, từ khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Phú Quý đã giúp cho nhiều tàu, thuyền trên huyện đảo Phú Quý không phải vào đất liền tránh, trú bão. Tuy nhiên, do vùng nước neo đậu chưa được nạo vét, khu neo đậu vẫn chưa chứa được nhiều tàu, thuyền có công suất lớn cho nên hiệu quả chưa như mong muốn, cần tiếp tục đầu tư khai thác.

Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thành Trung cho biết: Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Phú Quý đạt quy mô neo đậu 1.000 chiếc/600 CV cho tàu, thuyền trong tỉnh và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản ngư trường Nam Trung Bộ, Trường Sa vào neo đậu, tránh, trú bão an toàn; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và phương tiện hoạt động nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Dưới thời tiết nắng nóng gay gắt vào giữa tháng 4, công trường khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Phú Quý đang có nhiều công nhân thi công. Công nhân Nguyễn Tèo Anh cho hay: Thời điểm này, công nhân chuẩn bị các vật tư để thi công vào giờ thủy triều xuống. Tầm khoảng 0-7 giờ sáng, nước rút, công nhân mới bắt đầu làm, nạo vét, thi công dưới biển.

Ông Tạ Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty xây lắp Thành An 96 Chi nhánh Quảng Trị (đơn vị thi công khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Phú Quý giai đoạn 2) chia sẻ: Thi công trên biển đảo tốn nhiều kinh phí hơn do môi trường nhiễm mặn. Bên cạnh đó, các máy móc phải có công suất lớn hơn cho nên phải dùng phương tiện đặc chủng vận chuyển từ đất liền ra. Những tháng nắng, công ty tranh thủ tập kết vật tư ra đảo, chủ động thi công vào những tháng mưa. Để hoàn thành đúng tiến độ, công ty huy động 34 thiết bị, nhiều nhân công thi công ngày, đêm. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025.

Ông Phan Lanh (chủ 1 tàu cá ở Phú Quý) phấn khởi cho biết: Chắc vài năm nữa, tàu cá có công suất lớn hoạt động chung quanh đảo không phải vào đất liền để tránh bão. Trước kia, tàu cá phải đi vào thành phố Phan Thiết để tránh bão, nhưng từ ngày có khu neo đậu tránh, trú bão Phú Quý thì các thuyền nhỏ không cần phải vào đất liền nữa. Tàu cá công suất lớn vẫn phải vào cảng cá Phan Thiết hoặc khu tránh, trú bão Phú Hài, tốn nhiều chi phí xăng dầu, thuê người canh giữ. Thậm chí, trước kia chưa có khu neo đậu tránh, trú bão, cảng cá thì phải thuê nhiều người kéo tàu thuyền lên bờ, rất tốn kém.

Gần 20 năm trong nghề, ông Lê Văn Thép (chủ tàu cá tại Phan Thiết) nhớ lại, hơn 10 năm trước, số lượng tàu cá vẫn còn rất ít cho nên mỗi khi có bão thì các thuyền đi vào cửa sông, cửa biển trú bão. Qua mỗi năm, số lượng tàu cá tăng lên vì vậy cửa sông, cảng cá không thể chứa hết. Có thể thấy, Nhà nước đã có chính sách kịp thời xây dựng các khu tránh, trú bão, nâng cấp cảng cá để tàu, thuyền vào trú mỗi khi có bão lớn. Những năm trước, mỗi khi bão vào mà không có chỗ trú, tàu, thuyền bị hư hỏng rất nặng do sóng đánh va đập vào nhau, gió thổi trôi và có khi bị chìm. Thuyền có công suất lớn, giá trị cũng 5-10 tỷ đồng. Mỗi con tàu khi đóng mới lại vừa tốn thời gian vừa mất nhiều chi phí. Có khu tránh, trú bão giúp cho ngư dân yên tâm trong việc khai thác, bảo vệ ngư trường, bảo vệ biển đảo.

Hoàn thiện quy hoạch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, vùng biển của tỉnh đa dạng thủy hải sản, vùng biển liên thông với vùng biển Trường Sa, có đảo Phú Quý cách Phan Thiết khoảng 56 hải lý tạo ra những lợi thế rất lớn trong liên kết với các khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và vùng động lực nghề cá Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tỉnh có bờ biển dài 192 km, vùng nội thủy rộng 20.288 km2, có nhiều mũi nhô ra biển, chia cắt bờ thành các vịnh hở, nửa kín, dọc bờ biển có sáu cửa sông chính: Liên Hương, Phan Rí Cửa, Phú Hài, Thương Chánh, Ba Đăng, La Gi tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cảng, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 7.500 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên với 44.794 lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Chiến, trong nhiều năm qua, Trung ương và tỉnh luôn quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây mới, nâng cấp, đưa vào hoạt động một số công trình cảng cá, khu tránh, trú bão tại các địa bàn trọng điểm nghề cá gồm: Cảng cá Phan Thiết, khu tránh bão-cảng cá Phan Rí Cửa, khu tránh bão-cảng cá La Gi, khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng-cảng cá Phú Hải, khu tránh bão-bến cá Liên Hương và khu neo đậu tránh, trú bão cấp vùng Phú Quý.

Trong đó, có hai khu neo đậu cấp vùng là Phú Hải, đảo Phú Quý và khu neo đậu cấp tỉnh là Phan Rí Cửa; Cửa La Gi, Cửa Liên Hương, quy mô thiết kế cho 4.300 tàu cá neo đậu, đáp ứng khoảng 56% số lượng tàu cá của tỉnh. Những cảng cá, khu tránh, trú bão không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, phòng tránh thiên tai cho tàu cá và ngư dân trong tỉnh mà còn thu hút hàng nghìn lượt tàu cá ngoài tỉnh cập bến tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận vật tư nguyên, nhiên liệu phục vụ đánh bắt hải sản. Nhờ vậy, nhiều tàu, thuyền có công suất lớn cũng vào hoạt động.

Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận có 5 cảng cá và 12 khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá gồm: Hai khu cấp vùng và 10 khu cấp tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chiến cho biết: Việc đầu tư, xây dựng hệ thống cảng cá, khu tránh bão theo quy hoạch tại Quyết định số 1976 hiện còn chậm, chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư. Còn bảy khu neo đậu tránh, trú bão kết hợp bến cá đã quy hoạch gồm: Mũi Né, Chí Công, Ba Đăng, Tân Thắng, Bình Thạnh, Hòa Thắng, Hà Lãng chưa có vốn đầu tư, cho nên, các khu đang hoạt động bắt đầu quá tải, không bảo đảm an toàn cho tàu cá trong mùa mưa bão. Song song đó, các khu đang hoạt động đều trong tình trạng bị bồi cạn, nhưng việc xã hội hóa hoạt động nạo vét, duy tu, vệ sinh luồng lạch hiệu quả chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng, khu tránh bão cho tàu cá, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: Sở kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu tránh, trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, quy hoạch cần gắn với giải pháp đầu tư, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng các tiêu chí phân loại cảng, khu neo đậu theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá; cũng như công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật, cơ chế xử lý khẩn cấp sự cố bồi lấp do thiên tai…

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, trước đây, hằng năm tỉnh đều có nhiều tàu, thuyền bị thiệt hại do bão: Năm 2010 có 86 chiếc, năm 2012 có 6 chiếc, năm 2018 có 65 chiếc. Kể từ sau năm 2020, Bình Thuận không có thiệt hại về tàu, thuyền là nhờ có khu phòng tránh, trú bão.