Tự hào ký ức người dân công hỏa tuyến

Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Lý - nữ dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển lương thực cho quân đội ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ ở Tổ dân phố 8, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Năm nay, dù đã bước sang tuổi 90, bà vẫn khá nhanh nhẹn, rạng rỡ chào khách.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Lý bồi hồi nhớ lại những ký ức thời gian tham gia dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bà Nguyễn Thị Lý bồi hồi nhớ lại những ký ức thời gian tham gia dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bà Lý sinh ra và lớn lên ở xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1953, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia vận tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nữ thanh niên hăng hái lên đường. “Ngày đó, khắp đường làng ngõ xóm đều trưng khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Người dân đều một lòng tự nguyện hướng đến chiến dịch cho nên hễ bước chân ra đường là không khí đông như hội. Người già, trẻ con ở lại nhưng cổ vũ rất hăng say”, bà kể trong niềm tự hào ngập tràn ánh mắt.

Dù gấp rút, việc vận chuyển lương thực lại ngổn ngang, nhưng chính quyền ở địa phương vẫn “xét tuyển”. Những ai đủ yêu cầu cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ nhận nhiệm vụ. Địa phương bà ở lúc đó có hàng trăm thanh niên nô nức mong chờ được lên đường. Toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp tỉnh được tập trung về kho Lược ở Thọ Xuân và kho Cẩm Thủy. Từ hai đầu mối này, lương thực tiếp tục được vận chuyển theo nhiều hướng với nhiều cung đường khác nhau để bảo đảm an toàn, bí mật, tránh quân địch phát hiện.

Cho đến bây giờ, sức khỏe, trí nhớ đã giảm sút nhưng bà Lý vẫn kể vanh vách các cung đường huyết mạch: Từ Thọ Xuân lên Lang Chánh đến Hồi Xuân (Quan Hóa); từ Thọ Xuân qua Cẩm Thủy, lên Bá Thước rồi về Hồi Xuân. Xa hơn, gian nan hơn phải kể đến cung đường từ Hồi Xuân đến Suối Rút (Mai Châu-Hòa Bình), tiếp tục băng qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La) rồi qua đèo Pha Đin, đến huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Chặng đường hiểm trở chính là lúc chuyển lương thực vào kho lớn tại khu rừng Nà Tấu, cách trận địa gần 40 km. Một hướng khác đi từ Phú Lệ (Quan Hóa), xuyên rừng qua huyện Mường Lát, sang Thượng Lào rồi vòng về Điện Biên...

Thuở ấy, trung bình mỗi nữ dân công hỏa tuyến gánh vài chục cân gạo từ quê hương mình hành trình lên kho ở Suối Rút để vận chuyển đi Sơn La và lên chiến trường Điện Biên. Đoàn dân công tải lương đi nhiều đường khác nhau và thường đi vào ban đêm. Tính trọng lượng thì không quá nhiều, nhưng đường xa hiểm trở, lại trong hoàn cảnh chiến tranh cho nên không hề đơn giản. Đường rừng đèo cao dốc thẳm, bom đạn suốt ngày đêm, nhiều nữ dân công đau ốm, sốt rét và có những người đã trút hơi thở cuối cùng trên chặng đường ấy. Phần lương thực lại san sẻ lên đôi vai những người đồng hành.

“Nữ thì gánh gồng, nam thì xe thồ, xe đạp... cứ thế nối nhau trèo đèo, lội suốt tiến thẳng hướng chiến dịch. Đến bây giờ tôi chẳng thể nhớ đi bao nhiêu chuyến, làm sao mà nhớ được. Mà không chỉ tôi, chẳng ai nhớ nổi đâu...” - đôi mắt bà Lý hoen đỏ trong mạch chuyện về ký ức hào hùng mà gian lao thuở ấy.

Đến một ngày, lúc đang trên chặng đường đầy vất vả, đội dân công hỏa tuyến được truyền tin: “Giải phóng rồi! Điện Biên Phủ đã giải phóng!” Trong phút chốc, cả khoảnh rừng im ắng bỗng vỡ òa bởi tiếng hò reo của hàng chục nghìn dân công. Và sau đó là những cái ôm siết thật chặt, nước mắt cứ thế tuôn chảy.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là một trong những địa phương có đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Tất cả những lần Trung ương giao vận chuyển lương thực, Thanh Hóa đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, Trung ương giao Thanh Hóa huy động đợt 3 với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm.

Lúc này thóc dự trữ của tỉnh không còn, mùa vụ chưa đến kỳ thu hoạch, nhân dân đã “dốc bồ, đổ thúng” cung cấp cho tiền tuyến những hạt thóc cuối cùng; nhiều gia đình (mà đa phần là người già và trẻ em) phải ăn khoai sắn cầm hơi. Bà Lý kể, thậm chí, các xã, các thôn còn huy động nông dân ra đồng cắt tỉa từng bông lúa chín trước để có lương thực cho chiến dịch. Ngoài lương thực, các tỉnh miền trung cũng đóng góp lớn về sức người. Đã có vài nghìn người miền trung là dân công hỏa tuyến, bộ đội chủ lực... tham gia chiến dịch. Nhiều người hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên đất Điện Biên khói lửa.

Chồng bà Lý - ông Hoàng Hải (đã mất) là người cùng xã với bà, là chiến sĩ Trung đoàn 174, đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau những năm tháng tham gia tải lương phục vụ chiến dịch, những dân công hỏa tuyến như bà Lý hay bộ đội như ông Hải lại tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bà được Nhà nước ghi công và tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất.

70 năm trôi qua, giờ đây thế hệ những người “thồ hàng, gánh gạo, mở đường cho xe qua” ngày càng thưa vắng. Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hay có ai đó tới thăm, nhắc về ký ức, bà Lý lại bồi hồi, nao nức như trở về khí thế của tuổi đôi mươi. Sau kháng chiến, những người may mắn còn lại như vợ chồng ông Hải, bà Lý tự nguyện bám trụ vùng đất chiến trường xưa, lao động trên nông trường, chung tay xây dựng đất nước.

Trong suốt cuộc chuyện trò, bà Lý luôn cười, ngay cả khi khóe mắt rưng rưng. Nhưng có những khoảng lặng không dễ gì khỏa lấp. Bà tránh nhắc về nỗi đau của riêng mình cho nên ít ai biết rằng, bà là một người mẹ đã lần lượt mất đi nhiều đứa con ở nhiều giai đoạn cuộc đời. Cố nén nỗi đau riêng để hòa mình vào gian lao của đồng bào, của đất nước là phẩm chất quý báu của biết bao con người đã đi qua chiến tranh.

Thành phố Điện Biên Phủ trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, nhiều công trình mới khang trang chào mừng lễ kỷ niệm. Từ vùng đất từng một thời bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Điện Biên đang vươn mình mạnh mẽ. Những chứng tích lịch sử giờ đây trở thành địa chỉ đỏ hướng đồng bào cả nước về nguồn. Những nhân chứng sống với bầu ký ức lúc vẹn nguyên, khi mờ ảo. Và điều quan trọng nhất là họ luôn tự hào sau bao hy sinh đầy lặng lẽ.