Mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn

Bài 2: Tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư (Tiếp theo và hết (*)

0:00 / 0:00
0:00
Thi công lắp đặt đường ống dẫn nước sạch tại huyện Đông Anh. (Ảnh NGUYỄN QUANG)
Thi công lắp đặt đường ống dẫn nước sạch tại huyện Đông Anh. (Ảnh NGUYỄN QUANG)

Nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và khuyến khích chủ thể sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, thành phố Hà Nội đang tính toán tăng giá nước sạch. Tuy nhiên, tăng giá cần gắn với nâng cao chất lượng nước, chất lượng phục vụ và quan tâm đến người nghèo.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nước hợp vệ sinh là nước không mầu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn, uống sau khi đun sôi. Còn nước sạch là nước đã xử lý qua dây chuyền công nghệ có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người, đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế.

Nước hợp vệ sinh có thể được đánh giá bằng cảm tính, nhưng nước sạch thì phải kiểm định dựa vào thiết bị thí nghiệm do các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân thực hiện. Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện các dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn, với mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch.

Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước, gồm 11 dự án phát triển nguồn và 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn tăng nhanh, từ khoảng 37% số hộ dân nông thôn có nước sạch vào thời điểm tháng 6/2016, tỷ lệ này đã nâng lên khoảng 78% vào tháng 6/2020.

Nhiều huyện như: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì... đã cơ bản hoàn thành mạng lưới cấp nước sạch. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn đã khiến các nhà đầu tư nản lòng.

Đó là suất đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn có chi phí lớn hơn nhiều so với chi phí sản xuất nước, trong khi doanh thu tương đối thấp do nhu cầu sử dụng nước của người dân khu vực nông thôn chưa cao. Nhiều dự án đã hoàn thành, đáp ứng yêu cầu cấp nước cho nhân dân, nhưng tỷ lệ người dân đăng ký đấu nối sử dụng nước sạch và mức sử dụng hằng tháng còn thấp, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.

Theo đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội, nhà đầu tư dự án cấp nước cho các xã thuộc huyện Hoài Đức, Đan Phượng, không ít doanh nghiệp, người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước tự khai thác, như nước mưa, nước giếng khoan không bảo đảm chất lượng cho sinh hoạt.

Phần lớn hộ dân khu vực nông thôn sử dụng khoảng 10m3 nước sạch/tháng, cá biệt có hộ dân dùng 2m3/tháng dẫn đến tiền thu nước không đủ bù đắp chi phí quản lý vận hành, khấu hao tài sản. Bên cạnh đó, suất đầu tư mạng lưới cấp nước sạch tại khu vực nông thôn lớn, nhiều trường hợp phải lắp hơn 100m đường ống mới đấu nối được một hộ dân.

Phó Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, Lê Văn Du cho biết, giá bán nước sạch sinh hoạt hiện nay thực hiện theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013, nghĩa là hơn 10 năm chưa thay đổi, ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai các dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn của các nhà đầu tư.

Tính trung bình suất đầu tư lắp đặt một đồng hồ nước ở nông thôn từ 20 triệu đến 25 triệu đồng. Còn tại khu vực nội thành, suất đầu tư lắp đặt một đồng hồ nước chỉ từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và phần lớn các hộ dân sử dụng hơn 20m3/tháng... Cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn cũng chưa thực hiện được, khiến các nhà đầu tư không mặn mà.

Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, hiện nay chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đều tăng dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch. Dựa trên các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước, Sở Tài chính đã chủ trì xây dựng phương án điều chỉnh giá nước.

Theo kế hoạch điều chỉnh giá nước sinh hoạt trong hai năm 2023 và 2024, đối với hộ gia đình tiêu thụ 10m3/tháng sẽ phải trả thêm hơn 15 nghìn đồng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì giá nước sạch tăng khoảng 20%. Việc tăng giá nước sạch sẽ được thực hiện từng bước trong điều kiện, khả năng của người dân để có lộ trình điều chỉnh phù hợp và không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 10, huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh cho biết: Từ năm 2013 đến nay, thành phố chưa tăng giá nước sạch. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nước sạch, nhất là nước sạch khu vực nông thôn. Vì thế, thời gian tới, thành phố sẽ tính toán điều chỉnh giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá đối với 10m3 đầu tiên để hỗ trợ những hộ dân sử dụng tiết kiệm nước sạch, người nghèo. Các đối tượng khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.

------------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 5/5/2023.