Bảo đảm để các hộ dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô. Để 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước sạch. Cụ thể, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước, nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85%, tương đương hơn bốn triệu người với hơn một triệu hộ dân, tính đến hết năm 2022. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án cấp nước khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép chậm trễ, nhất là chi phí đầu tư lớn; người dân chưa đấu nối, sử dụng ít, cho nên không bảo đảm cân đối thu-chi. Trên địa bàn thành phố còn 149 xã chưa được cấp nước sạch, trong đó có 121 xã trước đây thành phố đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện, còn 28 xã chưa có nhà đầu tư cần kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Theo đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội, thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Hoài Đức, đơn vị đã cấp nước tới toàn bộ 15 xã, thị trấn thuộc dự án, tỷ lệ hộ dân đăng ký hiện đạt 83%. Đây là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp cấp nước, nhưng tính bình quân trên địa bàn, lượng nước sử dụng của các hộ dân còn thấp. Thậm chí, có nhiều hộ dân không phát sinh khối lượng sử dụng trong thời gian dài, ảnh hưởng đến kế hoạch thu hồi vốn của đơn vị, chứ chưa nói đến lợi nhuận.
Đáng chú ý, giá bán nước sạch là vướng mắc lớn nhất với các nhà đầu tư. Nhiều đơn vị thực hiện dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn phản ánh, theo Quyết định số 38 ngày 19/9/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, giá nước sinh hoạt được tính theo bậc thang. Với 10m3 đầu tiên, nhà đầu tư đang chịu lỗ; từ 10m3 trở lên mới bảo đảm cân đối đầu tư và có lãi. Nếu ở khu vực đô thị, các hộ dân chỉ có một nguồn nước, lại có nhiều nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất sử dụng nhiều sẽ tính giá lũy kế cao hơn; thì khu vực nông thôn người dân còn có nước mưa, nước giếng khoan, cho nên sử dụng rất ít, phần lớn chỉ sử dụng khoảng 10m3/hộ dân. Trong khi đó, chi phí đầu tư mạng lưới khu vực nông thôn lại cao hơn, do khoảng cách giữa các thôn, xóm, hộ dân cách xa nhau..., khiến các chủ đầu tư không mặn mà hoặc bỏ cuộc.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (một xã), Chương Mỹ (năm xã), Đan Phượng (năm xã), Đông Anh (hai xã), Mỹ Đức (bảy xã), Ứng Hòa (bảy xã), Quốc Oai (hai xã), Sóc Sơn (hai xã), Thạch Thất (sáu xã), Thanh Oai (ba xã), Thường Tín (năm xã). Theo đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.
Để đạt mục tiêu cấp nước sạch khu vực nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần sớm xem xét lại giá bán nước sạch, có lộ trình điều chỉnh giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn hợp lý để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư tham gia dự án cấp nước sạch, thực hiện chủ trương xã hội hóa cấp nước của thành phố. Người dân nâng cao ý thức sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khỏe; tích cực đấu nối, ký hợp đồng sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt, giảm dần các nguồn nước khai thác tại chỗ. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nước, quy trình sản xuất nước sạch và dịch vụ cấp nước, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đối với lộ trình tăng giá nước sạch của thành phố.