Quảng Bình nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch khu vực nông thôn

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình gặp khó trong thực hiện tiêu chí nước sạch do chưa có công trình cấp nước tập trung. Vì thế, để nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch và nâng chất lượng tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Bình đang thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) dùng nước sạch từ công trình nước do Bộ đội Biên phòng tặng.
Người dân xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) dùng nước sạch từ công trình nước do Bộ đội Biên phòng tặng.

Năm 2023, Quảng Bình có 9 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 12 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9 này, qua rà soát, vẫn còn một số xã như Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), Quảng Tiến (Quảng Trạch), Sơn Hóa (Tuyên Hóa) chưa đạt tiêu chí về nước sạch, do đó việc “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm nay khó đạt được.

Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình Bùi Thái Nguyên, một trong những khó khăn lớn nhất của tiêu chí nước sạch trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là phải có 20% số hộ dân sử dụng từ công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên hiện nay ở Quảng Bình vẫn còn một số xã có dân cư phân bố tương đối tập trung nhưng chưa có công trình nước sạch.

Bên cạnh đó, nhiều xã mặc dù đã có công trình nhưng quy mô, công suất nhỏ, thiết bị công nghệ xử lý nước không phù hợp cho nên không bảo đảm lưu lượng và chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn. Ở một số xã miền núi, vùng sâu, bãi ngang ven biển còn khan hiếm về nguồn nước và do dân cư phân tán nên khó xây dựng công trình cấp nước tập trung do suất đầu tư lớn.

Là xã bãi ngang ở tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua được sự hỗ trợ của Nhà nước, bộ mặt xã Ngư Thủy Bắc có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được nâng cao. Hiện, địa phương đang huy động nguồn lực và các giải pháp để quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2023. Theo Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc Trần Kim Trung, hiện xã còn 5/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Cụ thể là chưa có công trình cấp nước sạch tập trung. Mặc dù lượng nước ngầm khá dồi dào, nhưng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, người dân phải mua nước sạch hoặc đi xa chở nước về sử dụng. Để tháo gỡ khó khăn, địa phương đã làm việc với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng một công trình cấp nước sạch. Tuy nhiên, do nguồn lực địa phương còn hạn chế, kinh phí đầu tư xây dựng lại quá cao, nên rất khó thực hiện nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên.

Cũng như xã Ngư Thủy Bắc, Quảng Tiến là xã miền núi, khó khăn của huyện Quảng Trạch. Người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai khô cằn đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Quảng Tiến đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới song vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện, xã đạt được 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những tiêu chí chưa đạt đều thuộc diện khó thực hiện, trong đó địa phương chưa có công trình nước sạch tập trung. Việc cung cấp nước sạch cho 1.339 hộ, với 4.529 nhân khẩu của xã nghèo này đang là “bài toán” khó đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 116 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó 37 công trình hoạt động bền vững (31,9%), 15 công trình tương đối bền vững (12,9%), 50 công trình kém bền vững và 14 công trình không hoạt động, bị bỏ hoang. Để nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tỉnh chỉ đạo rà soát, chuyển giao một số công trình kém hiệu quả cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình sửa chữa, nâng cấp và quản lý vận hành. Nhờ đó, hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét về hiệu quả và người dân vui mừng vì có nguồn nước sạch, ổn định để sử dụng.

Theo số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Bình năm 2022, toàn tỉnh có 56,18% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam. So sánh với số liệu thống kê năm 2019 (năm bắt đầu triển khai Bộ chỉ số) là 46,28% thì sau 3 năm đã tăng thêm 9,9%. Việc đổi mới mô hình quản lý, vận hành công trình nước ở nông thôn đã làm tăng trưởng về tiêu chí nước sạch, giúp gia tăng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới của Quảng Bình đến nay lên 88 xã, chiếm 68,8% tổng số xã trên địa bàn.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Bình có 112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, còn 24 xã có nhu cầu cần được cấp nước sạch tập trung là khối lượng công việc và nguồn kinh phí lớn.

Do đó, theo ông Bùi Thái Nguyên, trước hết, tỉnh Quảng Bình cần ưu tiên bố trí nguồn vốn cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước đến các xã, địa bàn phụ cận để tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung.

Thứ hai, cần quan tâm, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để đầu tư công trình cấp nước tập trung như các công trình hạ tầng khác (điện, đường, trường, trạm, chợ) cho các địa bàn dân cư sinh sống tập trung nhưng chưa có công trình.

Thứ ba, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng, sử dụng công trình cấp nước tập trung; hỗ trợ máy lọc nước hộ gia đình đối với các vùng khó khăn về nguồn nước, địa bàn không có khả năng xây dựng công trình cấp nước tập trung.

Thứ tư, chuyển đổi mô hình quản lý vận hành phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững các công trình cấp nước tập trung. Cần sớm chuyển các công trình hoạt động kém hiệu quả do chính quyền cấp xã, hợp tác xã quản lý sang Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh để nâng cấp, mở rộng bảo đảm cấp nước ổn định, lâu dài cho người dân.

Thứ năm, ở các vùng dân cư phân tán không thể xây dựng công trình cấp nước quy mô lớn, cần xây dựng và áp dụng mô hình cấp nước tập trung quy mô nhỏ, phù hợp vùng miền núi, vùng sâu, vùng bãi ngang hoặc nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt bảo đảm an toàn cho người dân.