Nỗ lực chuyển đổi số ngành y tế

Mục tiêu xây dựng ngành y tế bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 của Thành phố Hồ Chí Minh được cụ thể hóa bằng đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030. Trong quá trình thực hiện, thành phố đã ghi nhận được những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00

Trong quá trình thực hiện đề án y tế thông minh, ngành y tế thành phố đã đạt được năm nhóm kết quả chính. Cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đóng góp vào kho dữ liệu lớn của thành phố; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin tăng thêm tiện ích cho người bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tiếp đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và quản lý ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý sức khỏe người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thành quả ban đầu là các cơ sở y tế đã tiếp cận ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như: Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng phần mềm “IBM Watson for Oncology” nhằm lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh ung thư. Bệnh viện Nhân dân 115 ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo AI RAPID trong chẩn đoán và điều trị nhồi máu não cho bệnh nhân đột quỵ đến sau 6 giờ. Bệnh viện Nhi đồng 1 ứng dụng máy học trong hệ thống nhắc kê đơn hợp lý giúp giám sát thời gian thực trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện...

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Trưng Vương, cho biết: “Từ năm 2004, bệnh viện đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nhiều phần mềm như: quản lý bệnh nhân ngoại trú, khám bệnh; số hóa toàn bộ đơn thuốc thay vì bác sĩ kê đơn thuốc bằng viết tay. Tại bệnh viện, việc thanh toán viện phí sử dụng hóa đơn điện tử đạt tỷ lệ 100%. Bệnh viện cũng đã triển khai máy phát số tự động, màn hình thông báo điện tử hiển thị thông tin nhận bệnh nhân, thứ tự khám bệnh, thứ tự nhận thuốc bảo hiểm y tế; đặt lịch khám trực tuyến qua tổng đài điện thoại, ứng dụng...”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: “Rõ ràng với những kết quả đạt được, y tế thông minh không chỉ phục vụ cho quản lý ngành, quản lý các hoạt động của từng đơn vị mà còn phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh rất hiệu quả. Người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ tiên tiến, chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng cao, người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, giảm chi phí khi đi khám, chữa bệnh…”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế đánh giá vấn đề chuyển đổi số của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn ở mức sơ khai, chậm, không đồng bộ, chưa thể phát huy hiệu quả như mong đợi. Cụ thể, từ cuối tháng 10/2022 đến nay, Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố đã tổ chức giám sát tại các bệnh viện tuyến thành phố như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Trưng Vương và phát hiện nhiều hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đề án.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn thừa nhận, do thiếu đồng bộ về phần mềm công nghệ thông tin giữa Bệnh viện Trưng Vương và các bệnh viện khác trên địa bàn khiến dữ liệu của người bệnh chưa thể chia sẻ nguồn tài nguyên vì không liên kết được với nhau. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi công năng hoàn toàn thành bệnh viện điều trị Covid-19, quá trình điều trị phải phun, khử khuẩn liên tục, do đó máy móc, thiết bị hầu như đều hư hỏng, chỉ còn là những cái “vỏ rỗng” nhưng không có kinh phí thay mới.

Từ trước đến nay, hầu như mỗi khoa chỉ có một đến hai máy tính. Phần lớn các máy đều đã cũ nhưng không có kinh phí nâng cấp, nhân viên công nghệ thông tin phải liên tục lấy bộ phận còn dùng được ở máy hỏng này lắp vào máy hỏng khác để tiếp tục sử dụng. “Chi phí dành cho công nghệ thông tin của bệnh viện chỉ là 0,2%, trong khi quy định phải 1%”, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn chia sẻ.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, trong bộ bảy tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin của Thông tư số 54/2017, đơn vị này đã đạt được sáu tiêu chí (95%). Dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho bệnh viện vẫn chưa hoàn thành.

PGS, TS, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương giải thích về nguyên nhân: “Khi thành lập dự án gửi qua các cơ quan liên quan đến khi nhận được quyết định cho phép thì các máy móc lỗi thời. Không có hạ tầng công nghệ thông tin thì không thể làm gì được. Bên cạnh đó, bệnh viện khó tìm được nhân viên công nghệ thông tin năng lực cao do mức lương của nhân viên công nghệ thông tin ở các bệnh viện thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung”.

Theo bác sĩ Tuyết, bên cạnh cơ sở vật chất của hệ thống công nghệ thông tin thì một nội dung quan trọng là bảo mật thông tin an ninh mạng. Toàn bộ dữ liệu của bệnh viện và bệnh nhân nếu không bảo mật có thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống này kinh phí rất nhiều, đến hiện tại vẫn chưa đầu tư được.

Cũng giống như các cơ sở y tế khác, Bệnh viện Nhi đồng 1 gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự công nghệ thông tin và kinh phí triển khai. Phòng Công nghệ thông tin hiện có 12 người, quản lý 700 máy tính. Đây là một thách thức khi thực hiện đề án.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 129 bệnh viện (bệnh viện công, tư và tuyến trung ương); 22 trung tâm y tế; 310 trạm y tế phường xã, thị trấn; 6.967 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân... Để tất cả cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cùng hưởng ứng thực hiện đề án y tế thông minh cần phải tổng hợp đánh giá thực chất nguồn lực, nguồn lực của ngân sách có thể hỗ trợ, nguồn lực của các cơ sở y tế, nguồn lực dự kiến huy động từ hợp tác công-tư để có lộ trình rõ ràng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho rằng, để các bệnh viện có thể phát triển được y tế thông minh, trước hết, cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số y tế trên phương diện quốc gia. Đặc biệt, phải có quy định pháp lý rõ ràng cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng.

Trong bối cảnh các bệnh viện phải tự xoay xở như hiện nay, cần hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành. Đối với nguồn lực công nghệ thông tin cho các bệnh viện, Sở Nội vụ cần tăng cường khảo sát đúng thực tế ngành y tế để có kế hoạch tập huấn, đào tạo; tìm giải pháp để bảo đảm nguồn lực thực hiện.