Ninh Thuận tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

NDO - Ngày 31/10, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 14 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 25/1/2022 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, đã đem lại hiệu quả tích cực cho địa phương, nhất là năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, góp phần nâng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 15,92%, bằng 88,93% mục tiêu đề ra đến năm 2025; tỷ trọng đóng góp công nghiệp chiếm 23,53% GRDP toàn tỉnh; năng lực sản xuất một số ngành tăng khá, có thêm năng lực mới.

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh tiếp tục được tập trung đầu tư, đã thu hút thêm 22 dự án, nâng tổng số lên 66 dự án thứ cấp được đầu tư. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào thực tiễn sản xuất đã chuyển biến tích cực hơn;….

Cùng với đó, việc cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU đã góp phần thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục đà tăng trưởng khá; sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, cho nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện, nâng cao rõ rệt,…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, trong 4 chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết số 18 đề ra, còn 2 chỉ tiêu chưa đạt, đó là tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành chỉ đạt hơn 3.749MW/6.500MW; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt thấp (mới đạt 28,4%, so với mục tiêu đạt hơn 50%...)

Việc đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất công nghiệp còn hạn chế; nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, đã tạo không ít lực cản cho phát triển công nghiệp của tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích và làm rõ những nguyên nhân, hạn chế đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng phát triển công nghiệp của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hoàng, hiện nay, phát triển công nghiệp luôn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương, tuy có nhiều cơ chế, chính sách đã đề ra nhưng vẫn còn bị vướng khi triển khai thực hiện mà chưa được tháo gỡ kịp thời.

Đối với phát triển năng lượng tái tạo, nhất là quy hoạch điện VIII, vừa qua, tỉnh phải chủ động làm việc trực tiếp với Bộ Công thương để tìm hướng tháo gỡ, nhưng đến thời điểm này, tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải điện và Thủy điện tích năng Bác Ái vẫn chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng; dự án điện khí LNG Cà Ná cũng chậm vì thủ tục phức tạp, kéo dài, phải lấy ý kiến nhiều bộ, ngành.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang gặp nhiều khó khăn, năng lực sản xuất mới tăng chậm; đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp triển khai chậm do cơ chế, năng lực đầu tư…

Ninh Thuận tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung rà soát, tiếp tục kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chủ trương phát triển công nghiệp, nhất là Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết có liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh, đối với phát triển công nghiệp, cần tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025 để xây dựng kế hoạch, xác định giải pháp trọng tâm, phân công cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới để phát triển các ngành công nghiệp mới như: AI, bán dẫn, công nghiệp bổ trợ năng lượng tái tạo; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, cảng biển trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về phát triển kinh tế vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần tập trung hơn nữa việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách toàn diện và bền vững.

Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo phương châm “bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình” để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Đồng thời, đề xuất Trung ương các cơ chế triển khai các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần thúc đẩy đời sống bà con ngày càng tốt hơn.

Hội nghị cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17-18%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh.

Tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành 13 dự án điện gió/460,7MW, 2 dự án điện mặt trời/120MW; đồng thời, tập trung triển khai, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có lên 50%; tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ và một số ngành công nghiệp khác.