Chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Thuận

Với những tiện ích mang lại, chuyển đổi số đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận tiếp cận nhanh các chính sách dân tộc; ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt hằng ngày và sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện đoàn Bác Ái tiên phong tham gia chuyển đổi số.
Huyện đoàn Bác Ái tiên phong tham gia chuyển đổi số.

Chuyển đổi số giúp đồng bào biết quảng bá hình ảnh thiên nhiên, giới thiệu nét đẹp văn hóa, sản vật,… thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với thân thiện môi trường ngày càng lan tỏa.

Năng động nhờ chuyển đổi số

Bí thư Huyện đoàn Bác Ái Chamaléa Thị Búng, chia sẻ: Toàn huyện có chín tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 38 tổ ở các thôn, với 319 đoàn viên thanh niên tham gia (5-10 thành viên/tổ), được coi là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện. Các tổ luân phiên nhau đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến chợ ở các xã, thôn,… trực tiếp hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”, giúp bà con làm quen với chuyển đổi số và tự mình biết cài đặt, sử dụng các ứng dụng thông minh để phục vụ công việc và cuộc sống.

Hiện nay, công trình di tích lịch sử cấp tỉnh đồn Tà Lú-Ma Ty (xã Phước Đại), đồn Ma Ty (xã Phước Thắng) đã được “số hóa” nên du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR do Huyện đoàn Bác Ái thiết lập trên mạng xã hội Facebook, Zalo cùng với các website câu lạc bộ tư vấn khoa học-kỹ thuật; thanh niên lập nghiệp... thì sẽ cập nhật ngay các dữ liệu chính thống về di tích lịch sử này một cách chân thực, sinh động. Du khách dễ dàng hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử của di tích mà không cần phải có người thuyết minh. Nhờ đó, các mô hình du lịch sinh thái, tìm hiểu nét văn hóa của đồng bào dân tộc Ra Glai… ở huyện Bác Ái thu hút hàng nghìn lượt du khách đến lưu trú, trải nghiệm...

Chị Katơr Thị Diếp, thôn Tham Dú, xã Phước Trung tâm sự: “Nhờ tổ công nghệ số cộng đồng thôn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, đặc biệt là truy cập nhanh những thông tin gắn liền với đời sống trên nhóm Zalo của thôn, tôi có thể nắm bắt kịp thời lịch thông báo họp thôn, các chính sách cho người dân và cùng các thành viên trong nhóm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả, nên rất vui”.

Hơn một năm qua, hàng nghìn đồng bào dân tộc Ra Glai ở huyện Bác Ái không còn mất thời gian để đi đến tận điểm thanh toán tiền điện, tiền nước,… như trước đây. Bà con đã biết cách chuyển khoản thanh toán bằng điện thoại di động ngay sau khi nhận được thông báo từ nhà cung cấp các dịch vụ. Tính đến cuối năm 2023, Huyện đoàn Bác Ái đã hỗ trợ gần 13.000 lượt người cài đặt ứng dụng VNeID; hỗ trợ người dân thực hiện hơn 10.000 dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính.

Nâng cao chất lượng quản lý và truyền thông

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận đã xây dựng, vận hành hệ chương trình quản lý giáo dục để quản lý, tuyển sinh đầu cấp; lập sổ điểm giáo viên, học bạ, sổ điểm, sổ liên lạc điện tử; thu học phí không dùng tiền mặt đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước, người dân đã quen với việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp để thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh. Bệnh nhân Vạn Thị Thu Thủy, ở Khu phố 6, thị trấn Phước Dân bộc bạch: Từ khi được tích hợp các loại giấy tờ trên căn cước công dân, đồng bào Chăm không phải mang theo nhiều giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, việc tra cứu thông tin, hồ sơ bệnh nhân rất dễ dàng, đầy đủ, tiết kiệm nhiều thời gian.

Để giúp người dân, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước đã trang bị ba thiết bị đọc thẻ căn cước công dân; nhiệt tình hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi số trên điện thoại khi tìm đến trung tâm. Điều dưỡng Lâm Nữ Nga, nhân viên tiếp nhận bệnh nhân cho biết: Sử dụng căn cước công dân có gắn chíp không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho người dân mà còn tạo thuận lợi cho cán bộ y tế tối ưu quy trình khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, nâng cao công tác quản lý, tăng độ chính xác trong việc thanh, quyết toán. Đến nay, gần 90% bệnh nhân thực hiện khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân; việc thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều chuyển biến tích cực.

Mấy năm qua, ông Quảng Đại Thính, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Quản lý khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân không còn phải gọi điện thoại cho từng người hoặc đi từng ngõ, gõ từng nhà để phổ biến các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ông dùng điện thoại thông minh để đăng tải kịp thời các thông báo như: Họp thôn, vận động ủng hộ các quỹ, các hoạt động nhân đạo từ thiện, thăm hỏi người bệnh cũng như các chính sách dân tộc... trên các nhóm Zalo đã kết nối với tất cả các hộ dân trong khu phố. Cách làm mới này tạo nên diễn đàn kết nối tất cả thành viên trong nhóm thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến của mình, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà công tác tuyên truyền, vận động đem lại hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Với những kết quả bước đầu, chuyển đổi số đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số rút ngắn khoảng cách địa lý, dễ dàng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên cải thiện đời sống.

Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận sẽ đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến tại đơn vị; trang bị 56 máy vi tính xách tay cho 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác báo cáo thông tin, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình do Ủy ban Dân tộc xây dựng, sử dụng kết nối họp trực tuyến; trang bị 107 máy điện thoại thông minh cho những người có uy tín để tạo thuận lợi trong việc kết nối, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào, từng bước hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông BẠCH VĂN DƯƠNG, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận