Ninh Thuận hướng tới tăng năng suất mía đạt 70 tấn/ha

Ngày 16/10, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ trồng mía nguyên liệu năm 2023-2024 và triển khai chương trình đầu tư niên vụ năm 2024-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang, trong niên vụ 2023-2024, công ty đã đầu tư hơn 48 tỷ đồng để cùng nông dân tỉnh Ninh Thuận mở rộng tổng diện tích vùng trồng mía nguyên liệu lên gần 2.560ha. Trong niên vụ này, nông dân chú trọng trồng giống mới cho năng suất cao và đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, cho nên đạt tổng năng suất hơn 155.000 tấn mía nguyên liệu (năng suất bình quân 66,7 tấn/ha, đạt 87% so với kế hoạch và đạt 91% so với cùng kỳ niên vụ trước).

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang Võ Thị Thủy Tiên, trong chiến lược phát triển 5 năm (từ 2021-2025), công ty đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng mía nhằm đạt mục tiêu diện tích đầu tư 2.500ha với tổng sản lượng 195.000 tấn mía nguyên liệu, năng suất đường hơn 8 tấn/ha mía nguyên liệu. Công ty thu mua mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường (10 CCS) tại nhà máy với giá 1.236.133 đồng/tấn, cao hơn 13% so với cùng kỳ, bình quân nông dân lãi khoảng 140 triệu đồng/ha/niên vụ.

Ninh Thuận hướng tới tăng năng suất mía đạt 70 tấn/ha ảnh 1

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang trình bày chương trình hỗ trợ và đầu tư cho nông dân Ninh Thuận triển khai mở rộng vùng sản xuất trong niên vụ 2024-2025. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Bà Võ Thị Thủy Tiên chia sẻ, công ty luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với hơn 700 hộ nông dân trồng mía tại Ninh Thuận. Để đạt mục tiêu cho niên vụ 2024-2025, thông qua chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng tại các vùng đất đang sản xuất các loại cây trồng khác kém hiệu quả, công ty tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu phát triển ổn định với diện tích 2.700ha. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu và chuyển giao các kỹ thuật canh tác mới để tăng năng suất mía từ 66,7 tấn/ha lên 70 tấn/ha/niên vụ.

Công ty chủ động hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc thiết bị, dịch vụ cơ giới đồng bộ từ khâu trồng đến chăm sóc và thu hoạch, hướng đến năm 2030 đạt năng suất mía nguyên liệu 75 tấn/ha/niên vụ. Cùng với đó, công ty tích cực hỗ trợ vốn, vật tư, dịch vụ và cam kết thu mua mía nguyên liệu với giá bảo hiểm để bảo đảm thu nhập ổn định lâu dài để nông dân an tâm sản xuất.

Ninh Thuận hướng tới tăng năng suất mía đạt 70 tấn/ha ảnh 3

Nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Tại hội nghị, các chuyên gia và nông dân cũng đã trao đổi kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây mía, kỹ thuật chăm sóc để cây mía sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh hiệu quả và cây mía đạt độ đường cao nhất khi thu hoạch…

Phó Giám đốc Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trương Khắc Trí cho biết, những cơ chế chính sách đầu tư của Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang để phát triển diện tích vùng nguyên liệu, tăng năng suất bền vững, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất bằng các hình thức hỗ trợ vốn đầu tư, bảo hiểm giá,... rất phù hợp với tình hình thực tế, đã tạo niềm tin cho nông dân trồng mía tại địa phương, tin rằng trong tương lai, Ninh Thuận sẽ tạo được vùng trồng mía nguyên liệu chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển mía đường Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn, sử dụng giống mía và quy trình canh tác được cơ giới hóa đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, giảm giá thành ở những vùng có lợi thế. Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường nhằm hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường. Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía trên địa bàn tỉnh.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên nguồn vốn thi công và đưa vào vận hành hệ thống kênh tưới Tân Mỹ, Hồ Sông Than để phục vụ nhu cầu tưới mía cho các vùng khô hạn (các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Hòa Sơn, Phước Trung). Kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bảo đảm thuận lợi cho việc tưới tiêu và vận chuyển nông sản được thông suốt, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch; đồng thời, chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ triển khai dự án nhân giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm để hạn chế nguồn bệnh lây lan qua giống mía”, ông Trương Khắc Trí nói.

Dịp này, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang đã trưng bày, giới thiệu các loại cơ giới hiện đại giúp nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.