Từng làm thành viên Ban giám khảo của không ít cuộc vận động sáng tác, nhưng chưa bao giờ nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, thành viên Ban giám khảo Cuộc vận động nhận được số lượng bản thảo đồ sộ và thành phần người tham gia lại đa dạng, phong phú như thế.
Nhiều bài viết dù chỉ là những đoạn ghi chép ngắn, hay đơn giản chỉ kể câu chuyện được, mất của mình, của người thân, của người quen biết, của những người tham gia công tác phòng, chống Covid-19 ở địa phương mình sinh sống... nhưng chan chứa yêu thương và lay động lòng người, bởi từng con chữ được viết bằng sự rung động của trái tim.
Nhà văn Bích Ngân
Và, điều đặc biệt ở cuộc vận động viết này, là các tác phẩm đã làm bật lên những ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa dịch, hiện diện bằng nỗi niềm sâu lắng từ những câu chuyện bình dị, nghĩa cử cộng đồng.
Hầu hết bài viết của cuộc vận động đi sâu vào từng đơn vị cơ sở trường học, y tế, từng cơ quan, nhất là ở cấp phường, xã, thậm chí từng ngõ ngách, từng khóm, từng ấp để thấy rõ hơn lòng tốt và vẻ đẹp tâm hồn của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Cô Nguyễn Thị Diệu dạy học ở Quận 8, với bài viết đặt tên là “Ổng”. “Ổng” không tên tuổi, không có những hành động quả cảm phi thường nhưng vẫn đem cho người đọc sự cảm kích về một con người chân thành, lạc quan, tận tụy với cộng đồng, nhất là trong những ngày khốn khó.
Hay cô giáo Trương Thị Kiều Oanh với bài viết “Ký ức Covid-19, Quận 8 vượt qua tâm dịch”, kể về những học sinh bơ vơ khi cha mẹ, ông bà mất đi giữa đại dịch. Cô giáo chia sẻ trong bài viết: “Đến từng nhà, ngồi lại bên những em học trò nhỏ, mình lặng đi, có lúc không biết nói gì, làm gì để vơi bớt nỗi đau thương trong lòng của các con. Mình rời đi rồi để mặc cho nước mắt rơi”.
Cuộc thi còn nhận nhiều bài viết của các cô giáo đến từ nhiều tỉnh, thành phố đã tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh sát cánh cùng đồng bào thành phố để chống chọi, vượt qua đại dịch. Trong bài dự thi, PGS, TS Phạm Thị Dung, Trưởng đoàn công tác Trường đại học Y Dược Thái Bình, không thể nào quên ký ức đặc biệt của chuyến công tác kéo dài trong 2 tháng trời ở tâm dịch của cả nước: “...vượt lên tất cả, dấu ấn chúng tôi không thể nào quên đó là tính cách hào sảng, tấm chân tình của người Sài Gòn mà chúng tôi gặp mọi lúc, mọi nơi.
Có ai đó từng nói “người Sài Gòn tánh kỳ” cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng dư giả gì nhiều. Không ồn ào, phô trương, những tấm lòng nhân ái cứ âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua đại dịch nhưng vẫn luôn rực rỡ ngọn lửa tình người, của trách nhiệm xã hội, của nghĩa đồng bào”.
Và những bài dự thi cũng góp phần tưởng nhớ những người đã ra đi trong đại dịch. Đó là bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, người sắp về hưu làm việc ở bệnh viện thuộc huyện Nhà Bè, đã lao vào chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và không may mắc bệnh, qua đời, đã trọn vẹn một chữ tâm đối với nghề và đối với đời qua bài viết của Nguyễn Thị Mỹ Trinh, công tác ở huyện Nhà Bè.
Đặc biệt, “Ranh giới mong manh” là bài viết đầy xúc động của cô giáo Nguyễn Thị Bích Vàng ở Trường tiểu học Hội An, quận Gò Vấp viết về nỗi tiếc thương người chồng chưa kịp cưới của mình, “một chiến sĩ áo xanh” đã hy sinh trong tuyến đầu chống dịch.
Các bài viết hưởng ứng Cuộc vận động đã một lần nữa giúp độc giả thấy rõ hơn những vất vả, gian nan, sự tận tụy hy sinh quá đỗi lớn lao cũng như khát vọng vươn lên của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Các bài viết còn như là cách lưu giữ những ký ức không thể lãng quên trong thử thách nghiệt ngã và còn là ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống chọi và vượt qua đại dịch.
Như lời chia sẻ của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại buổi tổng kết và trao giải: Cuộc vận động viết về phòng, chống Covid-19 không dừng ở đây mà phải được tiếp tục. Đại dịch và vượt qua đại dịch còn rất nhiều điều để viết, để nói cho cuộc đời này. Đó là bài học không nhỏ đối với cuộc sống của chúng ta trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta cần tiếp tục cuộc vận động với trách nhiệm cao nhất của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; cần đi vào cuộc sống sâu hơn nữa để ghi lại thêm nhiều câu chuyện giá trị trong thời khắc lịch sử không thể nào quên cho mai sau.