Phần lớn trong số 200 người bệnh lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi và ít xâm lấn tim mạch tại BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thời gian qua đều bình phục tốt. Người bệnh Nguyễn Văn Tr. (49 tuổi, Tiền Giang), được chẩn đoán bệnh van động mạch chủ và bệnh van hai lá nặng hậu thấp, người bệnh khó thở khi gắng sức phải đến BV Đại học Y Dược để phẫu thuật tim.
Anh Tr. chia sẻ: “Bác sĩ tư vấn là phẫu thuật tim nội soi điều trị bệnh van hai lá đã được thực hiện an toàn và thường quy tại BV, nhưng phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý van hai lá kèm với van động mạch chủ (hai van) như bệnh tình của tôi thực hiện khó hơn, khả năng phải chuyển mổ hở cao hơn. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi vẫn quyết tâm mổ nội soi, chấp nhận khả năng phải chuyển mổ hở khi gặp khó khăn, có thể sẽ mang trên mình hai sẹo mổ”. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, người bệnh hồi phục tốt, xuất viện với một sẹo nhỏ ở ngực bên phải.
Người bệnh Trần Thị X. (69 tuổi, Đồng Nai) được chẩn đoán hẹp van hai lá nặng và bệnh phình động mạch chủ bụng dạng túi. Phình động mạch chủ là dạng túi có nguy cơ vỡ cao, nhất là khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể ngược dòng trong phẫu thuật tim nội soi. Kíp phẫu thuật tim mạch của BV Đại học Y Dược đã đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ cho người bệnh. Ba ngày sau, tình trạng bệnh nhân đã ổn.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), điều trị bệnh tim bằng phương pháp phẫu thuật trước đây chủ yếu sử dụng đường mở ngực giữa xương ức. Phương pháp này có ưu điểm dễ dàng bộc lộ tim, tiếp cận các cấu trúc bên trong như van tim, các thành tim để sửa chữa những khiếm khuyết, bệnh lý mà người bệnh mắc phải. Đây là tiêu chuẩn “vàng” trong phẫu thuật tim. Tuy vậy, đường mở ngực giữa xương ức vẫn có một số nhược điểm nhất định như đau nhiều, mất máu nhiều hơn, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy, từ đó làm tăng thời gian nằm viện, tính thẩm mỹ chưa cao.
Bên cạnh đó còn một biến chứng quan trọng là nhiễm trùng xương ức. 20 năm trở lại đây, phẫu thuật tim dần tiếp cận với xu hướng chung của ngoại khoa như giảm dần mức độ xâm lấn trên người bệnh mà vẫn bảo đảm được kết quả điều trị tốt nhất. Nhờ những thành quả của khoa học, phẫu thuật tim nội soi đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Số lượng trung tâm áp dụng kỹ thuật này cũng như tỷ lệ người bệnh được mổ nội soi so với người bệnh mổ hở không ngừng tăng cao.
Theo PGS, TS, BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết các bệnh tim mạch mà phẫu thuật tim hở qua đường mở ngực giữa xương ức có thể thực hiện. Trong đó, nổi bật là phẫu thuật van tim (van hai lá, van động mạch chủ), phẫu thuật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch), phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành… Lợi ích của phẫu thuật tim nội soi là giảm đau, giảm chảy máu, giảm truyền máu, giảm thời gian thở máy và nằm hồi sức, giảm thời gian nằm viện và có tính thẩm mỹ cao.
Khảo sát gần đây của Bộ Y tế cho thấy, bệnh tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Nguyên nhân có thể do sự tăng nhanh của các bệnh lý chuyển hóa (rối loạn lipid máu, đái tháo đường) và các thói quen xấu (hút thuốc lá, ít vận động và tập thể dục), ý thức điều trị lâu dài chưa cao. Năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009 tỷ lệ là 25,4% và đến năm 2016 thì ở con số báo động là 46%. Nhằm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ngưng hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia và chất có cồn, giảm ăn béo, ăn ngọt, có chế độ vận động và tập thể dục hợp lý, lâu dài và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, tái khám đúng hẹn, tránh các biến chứng tim mạch nguy hiểm.