Những nghĩa cử thầm lặng mà cao cả

Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều mô hình, phong trào hiệu quả vì an sinh xã hội, thể hiện nghĩa tình, đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân. Hạt nhân của những điều ý nghĩa đó chính là những cá nhân, tập thể với muôn vàn hành động nghĩa hiệp, cao đẹp vì lợi ích cộng đồng để từ đó nhân lên nhiều giá trị đẹp trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Hoàng Ngọc Thương cùng các học sinh.
Cô giáo Hoàng Ngọc Thương cùng các học sinh.

Đó cũng chính là một trong những đặc trưng văn hóa được phát huy qua nhiều thế hệ của người dân thành phố. Giá trị của nét đẹp đó đang ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng để chung tay cùng chính quyền các cấp chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Những đóa hoa ẩn mình

Đều đặn ba buổi tối/tuần, lớp học của cô giáo Hoàng Ngọc Thương lại sáng đèn. Đây là lớp học đặc biệt ở Trường trung học cơ sở Độc Lập (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) khi các học trò ở đây đủ lứa tuổi, thành phần, có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo đứng lớp cũng rất đặc biệt khi cô đã bước sang tuổi 83. Vốn là giáo viên, sau khi về hưu, cô tiếp tục gắn bó với nghề suốt hơn 20 năm qua.

Cô giáo Hoàng Ngọc Thương luôn quyết tâm bám lớp, bởi cô luôn đau đáu với những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Gắn bó với lớp bao năm nay, cô Thương luôn giữ cho mình công thức “Con chữ + đạo đức = người tốt”. Cô tâm sự: “Chừng nào sức khỏe còn cho phép thì tôi sẽ còn đến với lớp. Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn mình cần vẽ lên đó những ước mơ, những điều tốt đẹp nhất cho các em để sau này các em trở thành người có ích cho xã hội”.

Mỗi cặp đôi trong ngày cưới đều luôn mơ ước về một bộ ảnh thật đẹp để khoe bạn bè, người thân. Thế nhưng, không phải đôi uyên ương nào cũng đủ kinh phí để thực hiện. Thấu hiểu điều đó, gần chín năm qua, nhóm thợ ảnh tự do trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên quận Bình Thạnh ra đời đã “bao trọn gói” cho các cặp đôi khó khăn cần một bộ ảnh đẹp cho ngày cưới.

Anh Liêng Trần Ngọc Trung Hiếu, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Do toàn bộ kinh phí chụp, xử lý ảnh, rửa ảnh đều hoàn toàn miễn phí cho nên có lúc nhóm cũng gặp khó khăn khi hoạt động, nhưng đổi lại chúng tôi nhận được nhiều niềm vui, là lời cảm ơn của các cặp đôi khi họ được nhận bộ ảnh cưới của mình. Các thành viên đến với câu lạc bộ cũng đều hoàn toàn tự nguyện, mọi người rất tâm huyết, tận tụy với công việc. Tính đến nay, hơn 1.000 bộ ảnh cưới đã được nhóm tình nguyện này thực hiện cho các cặp đôi ở nhiều tỉnh, thành phố.

Cô giáo Hoàng Ngọc Thương hay nhóm tình nguyện chụp ảnh cưới miễn phí là hai trong số hơn 1.200 gương (287 tập thể, 961 cá nhân) có nhiều cống hiến hiệu quả, ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội, nhưng hết sức thầm lặng trên địa bàn thành phố từ năm 2014 đến nay. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung cho biết:

Số gương được giới thiệu qua các lần tuyên dương ngày càng tăng. Họ là những điển hình đóng góp thầm lặng trên nhiều lĩnh vực đời sống. Trong quá trình xét chọn, số gương có thành tích từ ba, bốn năm trở lại đây chiếm tỷ lệ cao. Điều đó cho thấy sức lan tỏa, hiệu ứng từ gương “người tốt, việc tốt” đã mang lại nhiều giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng.

Lan tỏa giá trị trong cộng đồng

Nhiều năm qua, truyền thống đoàn kết, yêu nước luôn được các tầng lớp nhân dân thành phố hăng hái, tích cực tham gia với tinh thần thi đua “cùng cả nước, vì cả nước”, nhất là các mô hình tương thân tương ái, an sinh xã hội vì cộng đồng. Từ đó ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên, vai trò của cấp ủy, chính quyền, trong việc phát hiện, nhân rộng và tuyên dương các cá nhân, tập thể vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, tình trạng các đơn vị, địa phương cùng giới thiệu một người hoặc thành tích không phù hợp vẫn còn nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của hoạt động tuyên dương. Ngoài ra, nhiều gương tiêu biểu xuất hiện ở nhiều lĩnh vực nhưng đã bị các đơn vị “bỏ sót” khiến tính đa dạng ở các lĩnh vực chưa được triển khai như mong muốn.

Từ thực tế đó, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, cán bộ chuyên trách cần nêu cao trách nhiệm trong tìm kiếm thông tin, ghi nhận, cập nhật gương người tốt, việc tốt trên địa bàn; đồng thời, đổi mới việc báo cáo thành tích, đơn giản hóa thủ tục giới thiệu. Thực hiện nghiên cứu, đúc kết từ các gương đã tuyên dương để xây dựng khung tiêu chí chọn gương thầm lặng được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng đề xuất việc hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị phù hợp cho những việc làm thiện nguyện hoạt động hiệu quả nhằm động viên, cổ vũ mạnh mẽ hơn cho phong trào người tốt, việc tốt của thành phố.

Nhấn mạnh về công tác này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, thành phố luôn đồng hành, tạo điều kiện để phong trào thi đua của thành phố khơi được tất cả các nguồn lực phục vụ sự phát triển của thành phố. Điều đó sẽ góp phần làm cho thành phố giàu lên cả về vật chất lẫn tinh thần, tình nghĩa.

Việc tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” là một hoạt động để thành phố ghi nhận nhiều hơn, kịp thời hơn đối với những cá nhân, tập thể có những đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, việc làm của các cá nhân, tập thể diễn ra hằng ngày trong đời sống, làm sao chúng ta phải phát hiện kịp thời để ghi nhận, tri ân, tôn vinh. Đây là những người mang trong mình một tình cảm, một tâm nguyện, muốn đem tâm huyết, sức lực của mình để giúp người khác với mong muốn là xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.