Chuyển đổi xanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng được sự tin tưởng của khách hàng, cải thiện chỉ tiêu tài chính, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo khả năng vận hành bền vững và hấp dẫn các nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều giải pháp chuyển đổi số được giới thiệu tại Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
Nhiều giải pháp chuyển đổi số được giới thiệu tại Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Thực hiện chủ đề năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, địa phương này đã và đang xây dựng, triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số trên địa bàn thành phố một cách đồng bộ, thống nhất theo kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, triển khai chương trình Chuyển đổi số của thành phố và đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, phấn đấu đóng góp của kinh tế số vào GRDP của thành phố đạt 22% trong năm nay. “Song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thành phố ngày càng chú trọng phát triển kinh tế xanh, để lồng ghép các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nắm bắt xu thế, đón đầu cơ hội, nâng cao lợi thế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết.

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp 5 chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Kết quả này đánh giá nỗ lực rất lớn từ chính quyền thành phố cho đến sự đầu tư công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại thành phố. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đổi số hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyển đổi xanh thông qua dữ liệu, công nghệ và phụ thuộc lớn nhất là con người. Thời gian qua, Trung tâm Chuyển đổi số thành phố có nhiều hoạt động trao đổi, tư vấn để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cũng như các hoạt động chuyển đổi số chung của thành phố. Nhận thức rõ tăng trưởng xanh và thực hiện chuyển đổi số là tiền đề quan trọng cho việc tăng trưởng bền vững, nâng cao giá trị cạnh tranh cho doanh nghiệp, gia tăng xuất khẩu, Trung tâm sẽ tiếp tục liên kết với các hiệp hội cùng tư vấn và cung cấp giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các doanh nghiệp lớn, việc thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh khá dễ dàng vì có nhiều nguồn lực. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là một thách thức rất lớn. Hiện ,các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) cho thấy, có 45% CEO toàn cầu không tự tin liệu doanh nghiệp có thể “sống sót” được trong thập kỷ tới hay không nếu vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay. Con số này tăng hơn 6% so với kết quả khảo sát năm 2023 là 39%. Trước sự biến động rất lớn về các điều kiện kinh tế, chính trị toàn cầu, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là giải pháp tất yếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cũng theo kết quả khảo sát của PwC, ba động lực lớn nhất của việc thực hiện ESG của doanh nghiệp là: cải thiện hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp (78%); duy trì cạnh tranh trên thị trường (63%); áp lực từ nhà đầu tư (40%). Áp lực từ Chính phủ không phải là gánh nặng thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ESG với chỉ 28% người lựa chọn trả lời. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, marketing, truyền thông, bán hàng cho các doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là tăng khả năng thích ứng, chống chịu; chuyển đổi xanh là giảm phát thải, tăng trưởng xanh giúp phát triển bền vững; đây đang là cặp “song sinh” chuyển đổi quan trọng nhất. Muốn xanh phải dùng số, không có số thì không thể chuyển đổi xanh. Nếu không dùng công nghệ xanh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và hủy hoại trái đất. Vì vậy, theo báo cáo của Công ty tư vấn quản trị BCG, có 80% số doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch đầu tư cho ESG và 60% số doanh nghiệp coi ESG là trọng tâm chủ chốt hoặc tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến số.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khối sản xuất, tài chính và công nghệ đang đi đầu trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nguồn vốn tín dụng xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng được tăng lên nhanh chóng không chỉ từ các tổ chức tín dụng trong nước, mà còn có cam kết từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, một số nước tại châu Âu. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ, mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Các thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh các-bon - những rào cản, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, về ESG đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu. Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Nhật Bản, châu Âu cũng bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn về ESG cho đối tác hằng năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ, ngoài việc phải triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hành ESG cho mình còn gánh thêm trọng trách hỗ trợ khách hàng chuyển đổi ■