Tạo động lực cho ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa phát triển

Ngành công nghiệp cơ khí, tự động hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều cơ hội và thách thức trước sự phát triển vượt bậc của công nghiệp 4.0 toàn cầu. Đây là thời điểm bản lề để thành phố khai thác những thế mạnh, tạo sự đột phá phát triển ngành cơ khí, tự động hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp cơ khí trưng bày sản phẩm tại showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp cơ khí trưng bày sản phẩm tại showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành lập cách đây hơn 30 năm, Công ty TNHH Lập Phúc (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) chuyên cung cấp hai nhóm sản phẩm chính: khuôn mẫu dùng cho ngành nhựa công nghiệp có độ chính xác cao, kỹ thuật cao; sản phẩm nhựa kỹ thuật có độ chính xác cao, kỹ thuật cao được dùng trong các sản phẩm ô-tô, điện tử, y tế, cáp quang.

Theo ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, để tồn tại và phát triển, công ty đã áp dụng một số phương pháp cắt giảm chi phí trong đầu tư thiết bị, như sửa chữa phục hồi các máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Nhật Bản để đưa vào sử dụng nên chi phí đầu tư thấp. Các máy này được dùng cho công đoạn gia công thô và bán tinh.

Song song đó, công ty chế tạo các máy chuyên dùng cho nên nâng cao được năng suất lao động, rút ngắn thời gian gia công. Đối với các máy mua mới, doanh nghiệp chỉ dùng cho giai đoạn gia công tinh để bảo đảm độ chính xác của sản phẩm, do đó các máy này có độ bền cao và khấu hao cho sản phẩm rất thấp.

Để đáp ứng đơn đặt hàng ngày càng nhiều, công ty đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển và chế tạo khuôn mẫu kỹ thuật cao và độ chính xác cao phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ. Trung tâm này được đầu tư theo tiêu chuẩn châu Âu về máy móc, thiết bị công nghệ thông minh và các tiện ích làm việc, sinh hoạt văn minh cho lực lượng lao động.

Nhận định về thách thức của ngành cơ khí, Hội Tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp tự động hóa, cơ khí chế tạo trong nước hầu hết có quy mô nhỏ, suất đầu tư thấp và ngắn hạn, các nguồn lực như công nghệ, con người, nghiên cứu và phát triển (R&D), nguồn vốn, quản trị... hầu hết còn rất yếu.

Sản phẩm, dịch vụ chưa có hàm lượng kỹ thuật cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng thị trường Việt Nam đang phát triển. Các thiết bị, hệ thống và giải pháp tự động hóa, linh kiện, vật tư cơ khí thành phần đầu vào,... có thể nói là gần 100% nhập khẩu từ các tập đoàn nước ngoài.

Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu tham gia công đọan thương mại; nhóm doanh nghiệp cơ khí chế tạo, chế tạo máy cũng phần lớn dùng nền tảng thiết bị của nước ngoài, sản phẩm máy móc chế tạo trong nước có tính cạnh tranh thấp cả về chất lượng lẫn giá cả.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật khá hoàn thiện, có lợi thế nổi trội về tiềm năng con người, có đông đảo lực lượng lao động trình độ cao, cũng như tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cung cấp nguồn lực chất xám về khoa học và công nghệ.

Đồng thời, thành phố có tầng lớp doanh nhân nhạy bén với thị trường, chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ sẵn sàng hội nhập thị trường toàn cầu. Sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ ở thành phố có sức ảnh hưởng cao, sức lan tỏa không chỉ trong vùng mà còn tác động đến cả nước.

Những thuận lợi này là tiền đề quan trọng để thành phố nhận diện đúng vị trí và xu hướng của ngành cơ khí, ngành tự động hóa để có những chiến lược phát triển một cách hiệu quả.

Để bắt kịp xu hướng về mặt công nghệ, tận dụng được thời cơ các doanh nghiệp FDI dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh mới..., Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành cần có chính sách đồng bộ mang tầm chiến lược cho ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể là giảm thuế cho các mặt hàng tự động hóa, cũng như nhóm mặt hàng đầu vào cho ngành cơ khí chế tạo,...

Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ sinh thái, một môi trường có tính hấp dẫn cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ khí chế tạo và tự động hóa; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đủ số lượng và đạt chất lượng để phục vụ ngành này phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần có một đề án nghiên cứu sâu, có số liệu cụ thể về thực trạng, vai trò, sự tác động, ảnh hưởng của ngành tự động hóa, cơ khí chế tạo đối với sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó, các đơn vị liên quan mới có sự chỉ đạo quyết liệt từ xây dựng chính sách đến điều hành, có cơ sở pháp lý để hành động.