Dấu ấn Trường Sa

Tôi là một trong hơn 200 công dân đất liền từ các cơ quan, đơn vị lần đầu đến thăm quân và dân Trường Sa. Một chuyến đi kéo dài một tuần lễ qua các đảo, nhà giàn cho chúng tôi những trải nghiệm, bài học, cảm xúc mãi không bao giờ quên.
0:00 / 0:00
0:00
Chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây chăm sóc vườn rau sau giờ huấn luyện.
Chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây chăm sóc vườn rau sau giờ huấn luyện.

Những điều đầu tiên

Đúng 7 giờ sáng 29/4, từ Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), đoàn chúng tôi bước lên tàu KN491 để rẽ sóng ra khơi. Một lễ tiễn đoàn của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân diễn ra trang trọng, uy nghiêm càng khiến tăng nhịp đập hồi hộp trong mỗi thành viên đoàn. Trừ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu, hầu hết các thành viên đều lần đầu tiên đến với Trường Sa thân yêu. Hình ảnh đất liền mờ dần khi con tàu rẽ sóng lao đi giữa biển khơi.

Giữa bao la biển trời, ai ai trong chúng tôi cũng dành những khoảng lặng để tận hưởng cảm giác mà mọi người đều đồng ý gọi tên “khoảnh khắc trăm năm chỉ có một”. Chúng tôi được thông báo hải trình của mình đến điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây với thời gian khoảng 30 giờ đồng hồ. Đó cũng là khoảng thời gian để những người “xa lạ” làm quen với nhau trước một hành trình đầy thú vị phía trước.

13 giờ ngày 30/4, đoàn đặt chân lên Song Tử Tây trong sự tiếp đón nồng hậu và ấm áp của quân và dân trên đảo. Cách xa hàng trăm hải lý, nơi đất liền, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang náo nức kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước thì trên hòn đảo này, những công dân đất liền cũng được hòa mình trong không khí trang nghiêm và rất đặc biệt trong lễ duyệt binh mừng ngày hòa bình do quân và dân trên đảo tổ chức.

Giữa cái nắng 39oC bỏng rát, 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên giữa biển đảo quê hương khiến ai nấy đều dâng lên lòng tự hào dân tộc. Những bức hình kỷ niệm, những cái ôm thật thặt, những món quà nhỏ từ đất liền đã được quân và dân trao cho nhau càng khiến nhiều người trong đoàn chúng tôi không kìm nén được sự xúc động. Đó là những món quà, những cái ôm, những cảm xúc đầu tiên mà với nhiều người ít có cơ hội trải nghiệm thêm lần nữa.

Hành trình của đoàn tiếp tục giữa biển trời bao la. Điểm đến tiếp theo, đoàn chúng tôi chào buổi sáng trên đảo Sinh Tồn. Nhiều người đã choáng ngợp với những hàng cây mù u, cây tra, cây bàng vuông,… cổ thụ trên hòn đảo xinh đẹp này. Quân và dân nơi đây tự hào bản thân được gắn bó với những gốc cây cổ thụ cả trăm năm tuổi như một nhân chứng về sự vững bền, xanh tươi của biển đảo giữa sóng gió, bão táp của biển khơi.

Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng thầy giáo Phan Quang Tuấn, người đứng lớp dạy cho các em học sinh mầm non và tiểu học trên hòn đảo này. Với hơn 35 năm trong nghề, khi gần đến tuổi nghỉ chế độ, thầy viết đơn tình nguyện ra đảo để mang cái chữ đến cho các trẻ nhỏ trên đảo. Thầy Tuấn tâm sự: Trước khi nghỉ hưu, thấy sức khỏe mình vẫn còn tốt, tôi muốn bản thân làm thêm một điều gì đó có ích cho các em. Xa gia đình ở tuổi này là điều không mong muốn nhưng sau gần một năm gắn bó với các em, với quân và dân trên đảo, tôi thật sự thêm yêu thương đất và người nơi này ngày một nhiều hơn.

Trong suốt hành trình nơi các đảo mà đoàn đi qua, tôi được nghe rất nhiều thành viên trong đoàn nhắc đến cụm từ “lần đầu tiên”. Đúng là nơi mỗi bước chân đi qua, mỗi người gặp gỡ từ cán bộ, đến chiến sĩ ôm súng đứng gác nơi cột mốc trên đảo, đến những em bé thân yêu trên đảo, cành cây, hòn đá,… tất cả đều là lần đầu tiên, những lần đầu tiên rất đặc biệt.

Biển đảo luôn trong tim

Với thời gian có hạn của hải trình, đoàn chúng tôi di chuyển liên tục giữa biển khơi bao la để đi đến các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Mỗi nơi đi qua, hàng nghìn kỷ niệm, cảm xúc khác nhau đã được đoàn ghi lại. Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai qua mỗi hành trình đều ghi lại những cảm xúc đặc biệt của bản thân cho lần đầu tiên đến với Trường Sa. Chị Phương kể, tôi muốn lưu lại những khoảnh khắc này để có dịp kể lại cho các đồng nghiệp, gia đình cùng nghe như một lời nhắn nhủ về tình yêu biển đảo quê hương. Điều mà chúng tôi chỉ được thấy qua ti-vi hoặc nghe kể lại. Với tôi, tất cả những ngày đã qua đều rất xúc động và tự hào.

Cùng đi với đoàn lần này, bên cạnh các hoạt động giao lưu, thăm hỏi quân và dân trên đảo, các cán bộ, kỹ sư, công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam có một nhiệm vụ “đặc biệt” khác, chính là theo dõi, đánh giá nhu cầu và khả năng cung cấp điện cho quân và dân trên các điểm đảo. Được đầu tư cách đây nhiều năm nhưng đến nay, các hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của quân và dân trên đảo. Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Thế Phúc cho biết, với tinh thần “Vì biển đảo quê hương”, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp các đơn vị liên y tổ chức đánh giá và lên kế hoạch để triển khai dự án cấp điện với mục tiêu cấp điện ổn định hơn cho các điểm đảo trong năm nay; kế đó, đến năm 2025 đặt mục tiêu sẽ cấp điện trong ngày ở tất cả các đảo và đến năm 2026 là cấp điện có dự phòng.

Mang tình cảm của quân và dân đất liền đến với đảo xa, các đoàn cùng đi trên chuyến tàu KN491 đã mang nhiều phần quà, thiết bị thiết yếu trao tặng đến quân và dân các điểm đảo. Bộ Y tế tặng thuốc vật tư y tế, hàng hóa trị giá hơn 2 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền nam hỗ trợ chương trình xanh hóa Trường Sa tổng kinh phí 700 triệu đồng; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ủng hộ Quân chủng Hải quân 400 triệu đồng. Các đơn vị cũng đã tự tay đào những khoảng đất trồng những cây xanh lên đảo để Trường Sa ngày một xanh hơn.

Chúng tôi kết thúc chuyến hải trình sau 7 ngày. Tạm biệt quân và dân trên các đảo, đoàn trở về với đất liền. Sau những lớp sóng trùng trùng giữa đại dương bao la, các anh vẫn hiên ngang đứng đó, vững vàng như những gốc bàng vuông cổ thụ giữa nắng gió Trường Sa để canh giữ biển đảo thiêng liêng, một góc trời uy linh của Tổ quốc. Tạm biệt các anh! Đất liền và biển đảo xa hàng nghìn hải lý nhưng trong lòng mỗi người con đất liền là một khúc ruột nối liền, linh thiêng và mãi mãi!.