Ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, giá vé máy bay tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến Phú Quốc mà còn các địa phương khác. Trong đó, Phú Quốc có giá vé máy bay tăng cao nhất. Năm 2023, có 11 đường bay kết nối đến Phú Quốc thì nay chỉ còn 3 đường bay đến Phú Quốc là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Đặc biệt, lượng khách hàng không giảm nhiều. Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày dịp 30/4-1/5 vừa qua, lượng khách nội địa của tỉnh Kiên Giang giảm 36%. Tuy nhiên, nhờ lượng khách bằng đường bộ và du khách quốc tế tăng nên tính chung 4 tháng đầu năm, lượng khách đến tỉnh Kiên Giang tăng gần 20%. Tỉnh đã kỳ vọng rất cao về khách du lịch nội địa nhưng 4 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Phú Quốc chỉ tăng nhẹ hơn 7%.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng khách du lịch đi bằng đường hàng không đến Quảng Nam giảm.
Những năm trước dịch, cách 1 tháng thì hầu như các cơ sở lưu trú lấp đầy 80-90% nhưng dịp lễ 30/4 vừa qua, cách 10 ngày, các cơ sở vẫn còn khó khăn.
Chính vì vậy, các cơ sở bắt đầu tăng các gói kích cầu đối với khách nội địa vùng đi bằng tàu lửa, ô-tô, tăng khách nội vùng để có thể lấp đầy khoảng trống của khách hàng không.
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lữ hành SaigonTourist, giá vé máy bay hiện chiếm khoảng 50% tổng giá một tour du lịch.
Thí dụ, giá tour đi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra một số tỉnh phía bắc như Hà Nội-Ninh Bình-Hạ Long-Sa Pa kéo dài 5 ngày 4 đêm, giá bình quân 12 triệu đồng. Trong đó, giá vé máy bay chiếm khoảng 6-6,5 triệu đồng.
Đó là vé phổ thông tiêu chuẩn linh hoạt hoặc phổ thông tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, có những lúc cần bay giờ đẹp, ngày đẹp thì giá vé phải lên đến khoảng 8 triệu đồng; hoặc bay tối khuya sẽ thấp hơn khoảng 4-5 triệu, nhưng bình quân 6 triệu, chiếm 50% tour miền bắc.
Theo ông Yên, từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay đã tăng khoảng 20%, theo đó, giá tour du lịch tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, giá tour lúc này 12 triệu đồng thì năm ngoái khoảng 11 triệu đồng. Chính việc tăng giá vé máy bay đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch.
Ngành du lịch vượt khó
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corp cho rằng, ngành hàng không và du lịch là 2 cánh của 1 chiếc máy bay, tác động hữu cơ, kết nối chặt chẽ với nhau.
Thời gian qua, có nhiều thông tin sai lệch, sau đó biến thành quy chụp dẫn đến nhiều người hiểu nhầm rằng, ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi 1 mình, không quan tâm đến các đơn vị khác, nhất là ngành du lịch.
Đặc biệt, nhiều dẫn chứng các đường bay trong nước đắt hơn bay nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ chương trình khuyến mãi, không phải phổ biến.
Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp cũng chỉ ra rằng, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17- 25% so với năm 2019.
Theo ông Kỳ, chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như hiện nay. Vé hạng thương gia trước đây chỉ 3.000-4.000 USD, giờ phải 9.000-11.000 USD. Hạng vé phổ thông cũng tăng từ 750-900 USD lên từ 1.700-2.100 USD tùy từng thời điểm.
Do vậy, các địa phương muốn kích cầu du lịch có thể khuyến khích, xem xét hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay tới địa phương.
Các hãng hàng không cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thông qua việc giảm tiền cọc series booking, chia thành nhiều đợt thanh toán, cho phép trả gối đầu... Đồng thời, giữa các điểm đến, dịch vụ tại chỗ, lữ hành... nên ngồi lại cùng nhau; ngành hàng không cũng liên kết với nhau, hỗ trợ nhau trên cơ sở có chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các hãng hàng không, từ phía Chính phủ.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên cũng cho rằng, giá vé máy bay nội địa tăng, song giá tour nội địa của Việt Nam hiện không cao hơn giá tour nước ngoài như nhiều người nói.
Chẳng hạn, với chuẩn 4 sao, giá tour đi ở miền bắc là 12-15 triệu đồng; miền trung từ 8-10 triệu đồng; thì tour đi Thái Lan 12 triệu đồng còn tour Thái Lan 5-6 triệu đồng, tour 0 đồng không tính; tour Hàn Quốc trên 20 triệu đồng, tour Nhật trên 30 triệu đồng...
Để kích thích ngành du lịch trong nước trong bối cảnh giá vé máy bay tăng, các công ty lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, nhà hàng có thể ngồi lại với nhau để tìm giải pháp không tăng giá giá tour hoặc tăng từ 3-5%.
Chẳng hạn, có thể tư vấn cho du khách thay vì bay vào khung giờ đẹp có thể chuyển sang bay tối. Khách du lịch sẽ bị mất điểm tham quan, nhưng khách có thể ở thêm 1 đêm. Vậy các điểm đến, đặc biệt tại các địa phương Phú Quốc, Cam Ranh, Hạ Long... những nơi có nguồn condotel nhiều, có thể ngồi lại với nhau, làm các combo giá tốt hơn...", ông Yên đề xuất.
Tại Quảng Nam, để thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, địa phương này đã đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thu hút khách đi bằng đường bộ. Hệ thống chính quyền tỉnh đã làm việc nhiều với các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ... để tăng cường xây dựng thêm gói dịch vụ thu hút khách du lịch bằng đường bộ thay vì chỉ ngồi chờ hạ nhiệt giá vé máy bay.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã tập trung vào các gói kích cầu kích chất lượng, đa dạng sản phẩm, tăng chương trình phục vụ du khách. Thêm đó là, quảng bá nội vùng cho khách đi bằng ô-tô từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hay Tây Nguyên xuống… để lấp đầy khoảng trống của khách hàng không.
Nhờ vậy, 4 tháng đầu năm 2024, khách đến Quảng Nam tăng chứ không giảm, đạt 2,5 triệu khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu (tăng 7%), khách nội địa là 1 triệu (tăng 10%).