Giải bài toán quản lý thuế thương mại điện tử

Mặc dù đã có những cải cách, mô hình quản lý thuế ở Việt Nam hiện đang dần “chậm nhịp” trước các hình thức kinh doanh mới trong xu hướng chuyển đổi số, nhất là trong quản lý thuế thương mại điện tử, dẫn đến nguy cơ thất thu thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm chuyên đề: “Cập nhật thuế trong bối cảnh chuyển đổi số” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia thuế, giảng viên đã thảo luận những thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Thách thức mới từ thương mại điện tử

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Xu hướng này làm thay đổi cách thức tiêu dùng cũng như cung ứng hàng hóa và dịch vụ, nhất là các hoạt động trên nền tảng số khiến công tác quản lý thuế trở nên phức tạp hơn. Do đó, mô hình quản lý thuế cần nhanh chóng bắt nhịp trước các hình thức kinh doanh mới nhằm hạn chế nguy cơ thất thu thuế, đồng thời hạn chế gây khó khăn cho người nộp thuế trong việc tuân thủ các quy định về thuế.

Trình bày về chủ đề “Quản lý thuế đối với thương mại điện tử-Cơ hội và thách thức”, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Giám đốc chương trình đào tạo thuế của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước-UEH, nhìn nhận: Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược, quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh phù hợp để tồn tại và phát triển. Trong đó, thương mại điện tử có các ưu thế đặc trưng đó là: Khả năng tiếp cận khách hàng rộng lớn, không bị giới hạn địa lý; cho phép người tiêu dùng mua sắm bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu có kết nối internet; hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng hết sức đa dạng, là hệ thống phức tạp liên quan đến nhiều bên tham gia nhằm bảo đảm quá trình mua bán hàng hóa trực tuyến.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Trung Kiên cũng nêu ra những bất cập khi các mô hình kinh doanh mới này tiềm ẩn yếu tố kỹ thuật số có thể phá vỡ hay khó xác định cơ sở đánh thuế theo cách truyền thống. Cơ quan quản lý thuế rất khó giám sát và thu thập thông tin. Các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh. Điều này tạo ra thách thức cho các cơ quan thuế trong việc quản lý, truy thu thuế đầy đủ từ các hoạt động thương mại điện tử.

Cho đến nay, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử cũng không đơn giản. Chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống; các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử; máy chủ có thể đặt tại nước ngoài. Một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội. “Do đó, việc luật hóa quyền, trách nhiệm cũng như thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên trong quản lý thuế là rất quan trọng” - Tiến sĩ Trần Trung Kiên nhấn mạnh.

Tăng thu ngân sách từ kinh doanh qua mạng

Ngành thuế cả nước hiện đang quản lý hơn 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, với ước tính lượng truy cập 3,5 triệu lượt/ngày; trong đó có 41/357 sàn thương mại điện tử lớn bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài. Kết quả số thu thuế nhà thầu lũy kế từ năm 2018 đến 2023 đã thực hiện 6.656 tỷ đồng. Một số nhà cung cấp nước ngoài đã khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook nộp 2.076 tỷ đồng; Google nộp 2.040 tỷ đồng; Microsoft nộp 699 tỷ đồng…

Sau gần một năm triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến cuối năm 2023, đã có 94 nhà cung cấp, trong đó có 26 “ông lớn” như: Microsoft, Facebook, Netflix, Samsung, TikTok, eBay… đã đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế 14.500 tỷ đồng. Đối với thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong nước, chỉ riêng năm 2023 có doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 97.000 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan thuế đang tiếp cận các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, bao gồm 8 nhóm nền tảng: Sàn giao dịch thương mại điện tử, website/ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, giao thông, vận tải, giao nhận, đại lý, thuê bao, quảng cáo và kho ứng dụng.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Linh, quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đúng đối tượng nộp thuế, kiểm soát hết giao dịch kinh doanh thương mại điện tử, theo dõi và giám sát các dòng tiền trong kinh doanh trực tuyến… luôn là những thách thức mới đối với cơ quan thuế cũng như cơ chế, công tác phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực đòi hỏi cần phải có sự chặt chẽ, đồng bộ hơn để tạo cơ sở dữ liệu dùng chung.

Trước hết, về hành lang pháp lý, cần sớm sửa đổi quy định không miễn thuế khâu nhập khẩu đối với giao dịch nhập khẩu giá trị thấp hơn 1 triệu đồng/ngày; sửa đổi điều khoản cơ sở tính thuế phù hợp với điều kiện kinh tế số; sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; quy định trách nhiệm khấu trừ tại nguồn của sàn giao dịch thương mại điện tử trong trường hợp sàn giao dịch thương mại điện tử là sàn cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc trực tiếp tham gia vào khâu giao nhận hàng hóa.

Về quản lý thuế, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát công nghệ; phát triển công nghệ tự tính thuế theo thời gian thực phát sinh giao dịch; sớm xây dựng và vận hành Trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao và cơ quan đầu mối phụ trách; phát triển hệ thống dò tìm tự động các giao dịch đáng ngờ; xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử và cần thiết thành lập cấp phòng/đội chuyên quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử tại các tỉnh, thành phố.