Phần mềm này không chỉ giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại từng vị trí theo số nhà cụ thể để đăng ký và đóng phí, mà còn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng công khai, minh bạch và hiện đại.
Thu phí công khai và minh bạch
Nằm trong danh sách 11 tuyến đường ứng dụng phần mềm để thu phí vỉa hè, hầu hết các hộ kinh doanh trên đường Hải Triều đều sử dụng phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố Quận 1” khai báo thông tin để đóng phí.
Ông Trần Huy Hoàng, chủ quán phở Hà (số 19 đường Hải Triều) cho hay, một tuần trước khi UBND phường phổ biến thông tin ông đã vào phần mềm của Quận 1 để đăng ký sử dụng 8 m2 vỉa hè trước quán phở, với mức phí 100.000 đồng/m2.
“Với diện tích này, mỗi tháng tôi phải đóng phí 800.000 đồng và tôi chọn đóng tiền theo quý. Cách tính này trên phần mềm rất cụ thể, dễ hiểu và quan trọng là chủ hộ kinh doanh đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí cho Nhà nước, bảo đảm sự công khai và minh bạch”, ông Hoàng chia sẻ.
11 tuyến đường được Quận 1 ứng dụng phần mềm thu phí gồm: Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Hải Triều, Chu Mạnh Trinh, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão,Trần Hưng Đạo, Cô Bắc, Võ Văn Kiệt.
Bà Trần Thị Thanh Tuyền, có nhà trên tuyến đường Lê Thánh Tôn cũng vừa đăng ký sử dụng 8 m2 vỉa hè để kinh doanh quán cà-phê. Với mức phí là 100.000 đồng/m2, bà đăng ký đóng phí qua phần mềm một lần 12 tháng là 9,6 triệu đồng.
Theo bà Tuyền, việc chính quyền tổ chức đăng ký sử dụng vỉa hè có thu phí giúp người dân yên tâm buôn bán, không lo cảnh vừa bán vừa bị... đẩy đuổi. Người kinh doanh trên cơ sở vạch kẻ trên vỉa hè sẽ phải bố trí bàn ghế, chỗ ngồi sao cho phù hợp.
Tại các tuyến đường nằm trong danh mục thu phí vỉa hè, Quận 1 tổ chức kẻ vạch để phân biệt rõ vị trí được kinh doanh và vị trí dành cho người đi bộ, theo hướng bảo đảm phần vỉa hè ngoài vạch kẻ rộng 1,5m dành cho người đi bộ.
Ông Dương Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 1 cho biết, sau khi người dân tra cứu và đăng ký trên phần mềm, hồ sơ sẽ được phường khảo sát, thẩm định và tối đa trong vòng ba ngày sẽ duyệt phương án, chuyển mã QR đến người dân đóng phí sử dụng. Phần mềm thu phí khi đến hạn sẽ tự động thông báo để người sử dụng vỉa hè gia hạn.
Thực hiện thủ tục hành chính không giấy và thanh toán điện tử thì người dân có thể thao tác qua mạng, mỗi hộ được cấp mã số để theo đó đóng phí sử dụng vỉa hè; mỗi hộ có một mã số riêng.
Cũng theo ông Bình, hiện Quận 1 có 52 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên mà người dân có thể sử dụng tạm một phần để kinh doanh có thu phí; 12 tuyến đường cho giữ xe có thu phí. Do đó, sau khi thực hiện thí điểm 11 tuyến đường thu phí qua phần mềm, quận sẽ tiếp tục mở rộng ra các tuyến đường còn lại.
Giám sát chặt chẽ việc thu phí vỉa hè
Phòng Quản lý đô thị Quận 1 thống kê, sau 5 ngày quận triển khai thu phí vỉa hè qua phần mềm đã có 61 hộ dân đăng ký sử dụng tạm vỉa hè có đóng phí với số tiền khoảng 270 triệu đồng. Để thuận tiện cho hộ kinh doanh, quận tổ chức thu phí hằng quý (3, 6, 9 ,12 tháng), như vậy sẽ tạo sự tiện lợi cho người đóng phí, khỏi mất thời gian đăng ký nhiều lần.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 Lê Đức Thanh, việc sử dụng phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố Quận 1” thu phí vỉa hè nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại.
Qua đó, người dân có thể tra cứu từng tuyến đường để biết thông tin về mục đích sử dụng, diện tích sử dụng và mức đóng phí. Toàn bộ quá trình người dân đăng ký sử dụng tạm thời vỉa hè, nộp phí, Ủy ban nhân dân phường theo dõi, giám sát đều được thực hiện trên nền tảng số.
Ủy ban nhân dân Quận 1 yêu cầu Ủy ban nhân dân 10 phường tuyên truyền, phổ biến việc đăng ký và nộp phí sử dụng một phần hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa trên 11 tuyến đường thực hiện thí điểm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; hỗ trợ, hướng dẫn người dân và nộp phí sử dụng một phần hè phố đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn phường thông qua phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố Quận 1”.
“Trong quá trình triển khai, dự báo có các trường hợp vi phạm như sử dụng vượt diện tích, sử dụng làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, hoặc có dấu hiệu trục lợi qua việc không đăng ký sử dụng trên phần mềm; quận sẽ xử lý vi phạm theo quy định. Chúng tôi cũng xác định trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường trong quản lý địa bàn nếu để xảy ra các vi phạm, thực hiện không đúng quy định”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng với Quận 1, từ đầu năm đến nay nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như các quận: 5, 10, 11, đã công bố danh mục các tuyến đường thực hiện thu phí lòng đường, vỉa hè để công khai thu phí, đúng đối tượng, mang lại nguồn thu chính đáng cho ngân sách thành phố.
Trong danh mục gửi Sở Giao thông vận tải thành phố, Quận 10 có 28 tuyến đường với bề rộng vỉa hè từ 3m trở lên, bảo đảm điều kiện sử dụng tạm có thu phí; Quận 12 có 15 tuyến đường; Quận 5 có 66 tuyến đường kinh doanh, buôn bán có thu phí...
Theo Nghị quyết 15 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2024, thành phố áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố; theo đó, cho phép một số trường hợp được sử dụng tạm và đóng phí với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2, tùy khu vực.
Có sáu trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè và đóng phí, gồm: Tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; trông, giữ xe có thu tiền; tổ chức hoạt động văn hóa; giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm; trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Với lòng đường, có ba trường hợp được sử dụng tạm và đóng phí; cụ thể: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ô-tô phục vụ sự kiện; trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.