Những ngày không thể nào quên

Ngày 30/4/1975, sau khi nghe Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn trên sóng phát thanh, khắp mọi nẻo đường của thành phố ngập tràn niềm vui chiến thắng. Lúc đó, đồng chí Phạm Chánh Trực (Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cùng khoảng 20 chiến sĩ có vũ trang tiến nhanh từ vùng ven Tân Bình về Quận 11, theo kế hoạch phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Với nguyên Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực, những ngày tháng 4 lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên.
Với nguyên Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực, những ngày tháng 4 lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn không thể nào quên.

Từ cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Thành đoàn được chỉ thị chuẩn bị tham gia nổi dậy khởi nghĩa trong nội thành, tổ chức lực lượng bám sát các khu xóm lao động nhằm phát động khởi nghĩa ở năm khu vực trọng yếu và rất khó thâm nhập từ ngoài vào là Bàn Cờ-Vườn Chuối (Quận 3), Cầu Bông-Gia Ðịnh, Phú Nhuận, Khánh Hội-Vĩnh Hội (Quận 4) và Tân Sơn-Tân Phú (quận Tân Bình). Ðây là năm điểm khởi nghĩa có vị trí chiến lược theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy tiền phương Nam vì vừa có thể tiếp cận trung tâm đầu não chỉ huy của địch, vừa tiếp ứng thuận lợi các mũi tiến công của quân giải phóng chủ lực từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và hướng đông.

Nhận lệnh điều động của Thành ủy, cuối tháng 3/1975, Bí thư Thành đoàn Phạm Chánh Trực cùng một số cán bộ khác chia nhau về các địa phương, chuẩn bị kế hoạch tấn công nổi dậy giành chính quyền. Gần sát ngày 30/4 lịch sử, các cánh quân thuộc Bộ Chỉ huy tiền phương Nam cùng tập trung về vùng ven (huyện Bình Chánh), chuẩn bị tiến quân vào nội thành, và cánh ông Trực sẵn sàng cho kế hoạch chiếm lĩnh Quận 11. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4, khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội Sài Gòn "án binh bất động", ông Trực cùng đồng đội tức tốc chạy bộ về Quận 11. Ông xúc động khi thấy người dân từ khắp ngã ùa ra đường hò reo. Già trẻ lớn bé đủ cả, ai nấy mặt rạng ngời niềm hạnh phúc. Nhiều người chạy xe gắn máy, có cả xe lam, đám đông gọi to: "Các anh lên xe! Các anh lên xe! Ði theo chúng tôi cho nhanh"… Nghe người dân gọi, ông cùng một đồng chí nhảy lên chiếc Vespa. "Tôi cầm súng AK gọi to "Các đồng chí! Lên xe lam chạy nhanh đến mục tiêu". Ðồng đội ngồi phía sau cầm cờ phất cao. Xe tôi vượt lên dẫn đầu, khoảnh khắc đó thật khó quên. Dòng người hối hả di chuyển nhanh về hướng Ty Cảnh sát rồi Dinh Quận 11 bất chấp hiểm nguy. Chúng tôi biết thời khắc chiến thắng đã đến rồi", ông Trực nhớ lại.

Sau khi chiếm Ty Cảnh sát, cánh của ông Trực tiến vào Dinh quận, người dân theo vào tràn ngập ở đây. Không chủ quan, ông Trực vội lệnh cho đồng đội bố trí ngay lực lượng phòng trường hợp quân địch phản kích; đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự Quận 11 lập tức chia lực lượng xuống địa bàn từng phường giành chính quyền. Tới chiều 30/4, toàn Quận 11 được giải phóng, các ủy ban cách mạng lần lượt được thiết lập có nòng cốt là cơ sở bí mật trong nội thành. Những việc cấp bách tiếp theo là thu gom súng đạn địch bỏ lại khắp nơi, rồi tổ chức cho binh lính, sĩ quan, công chức chế độ Sài Gòn ra trình diện, học tập chủ trương chính sách của Mặt trận Giải phóng, và đặc biệt là mở kho gạo phân phối cho dân. Cùng lúc đó, người dân khắp thành phố cũng được phát lương thực. Bà con mừng lắm vì chiến tranh kéo dài, kinh tế kiệt quệ, đói kém, bệnh tật trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Ðói khổ là vậy nhưng người dân ai cũng chọn những chiếc thúng nhỏ, chiếc thùng đựng lượng gạo vừa đủ vài ngày, để phần cho người khác. Những ngày kế tiếp, đường phố vẫn nhộn nhịp người xe xuống đường mừng Sài Gòn giải phóng, non sông liền một dải. Thanh niên, sinh viên, học sinh phấn khởi cùng nhau tham gia điều khiển giao thông, thu gom súng ống, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, xóa bỏ văn hóa đồi trụy, độc hại... Một thời gian sau, việc vận hành bộ máy dần đi vào ổn định. Các nhà máy, xí nghiệp hoạt động trở lại, công nhân ồ ạt quay về. Hai tuần sau, bàn giao công việc lại cho Ban cán sự (tức Quận ủy) Quận 11, ông Trực quay về Thành đoàn, tiếp tục công việc ở cương vị cũ.

Thế nhưng, hậu quả của cuộc chiến là hết sức lớn. Sau chiến thắng 30/4 lịch sử, thành phố bắt tay vào công cuộc kiến thiết với nhiều mối lo giữa bộn bề công việc. Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất do chiến tranh kéo dài, thất nghiệp và đói trở thành vấn đề đáng lo của giai đoạn mới. Cả thành phố tràn ngập người thất nghiệp. Tháng 7 năm đó, khi họp bàn giải quyết vấn đề thất nghiệp, Thành đoàn đưa ra kế hoạch tổ chức một đại đội thanh niên ra huyện Củ Chi tập trung khai hoang, gỡ mìn, bắt đầu trồng trọt. Từ "hạt giống" này cùng với đội ngũ cán bộ Thành đoàn và các Quận đoàn hình thành bộ khung làm nòng cốt cho lực lượng Thanh niên xung phong. Ngày 28/3/1976, nhận cờ xung kích do Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt trao, Thành đoàn tổ chức lễ ra quân 10.000 thanh niên xung phong, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong thành phố lúc bấy giờ. Những người trẻ bước vào mặt trận kinh tế với mong muốn góp phần giúp miền nam mau chóng phục hồi tổn thất sau bao năm tháng chiến tranh đằng đẵng.

Thanh niên xung phong là tập hợp rất đa dạng, gồm cán bộ, đoàn viên, thanh niên cộng sản, trí thức trẻ, sinh viên, học sinh và cả lực lượng ngụy quân, ngụy quyền rã ngũ, thanh niên công nhân lao động thất nghiệp, thanh niên trốn lính, thanh niên "lầm đường lạc lối"... Không chỉ về vùng ven khai hoang, canh tác, các Ðội, Tổng đội Thanh niên xung phong còn được bố trí tới nhiều tỉnh, thành phố tại miền nam, hỗ trợ địa phương khai hoang phục hóa, triển khai nhiều mô hình kinh tế mới. "Thành đoàn trong kháng chiến là lực lượng xung kích của các phong trào cách mạng ở thành phố. Sau giải phóng, Thành đoàn tiếp tục được giao nhiệm vụ là lực lượng xung kích trong các phong trào xây dựng đất nước. Cuộc ra quân Thanh niên xung phong chính là biểu hiện xung kích cách mạng, chuyển ý thức xã hội từ một thành phố phục vụ chiến tranh, sống bám vào viện trợ nước ngoài thì bây giờ đưa nhân dân đi vào con đường lao động sản xuất, tự lực tự cường. Việc tập hợp lực lượng Thanh niên xung phong thời điểm này có thể được xem là một "điển hình của tinh thần hòa hợp dân tộc", ông Trực phấn khởi cho hay.