Những mô hình ý nghĩa cần lan tỏa

Tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, nhiều mô hình giúp người dân có môi trường sống tốt hơn, tăng tình đoàn kết láng giềng, chia sẻ, tương thân tương ái được xây dựng. Điều này góp phần xây dựng đời sống văn hóa địa phương, tạo khí thế hào hứng, sôi nổi cùng chung tay chia sẻ, lan tỏa mô hình hay, điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc Trần Thị Hải Yến (phải) và Bí thư Chi bộ Khu phố 9 Phạm Quang Vũ thăm hỏi đồng chí Nguyễn Thị Mười.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc Trần Thị Hải Yến (phải) và Bí thư Chi bộ Khu phố 9 Phạm Quang Vũ thăm hỏi đồng chí Nguyễn Thị Mười.

Như mọi sáng, đồng chí Nguyễn Thị Mười (45 năm tuổi đảng) mang bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lau, rồi trang trọng đặt lên bàn, tự tay pha trà nóng, thắp hương trước bàn thờ Người. Là chiến sĩ giao liên từng nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhì, sau ngày giải phóng miền nam, bà Mười tham gia công tác trong ngành lương thực cho đến ngày về hưu. Từ đó đến nay, việc treo chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được bà làm thường xuyên. Trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ theo kinh tế thị trường, bà Mười luôn học và làm theo Bác Hồ, chỉ dạy con cháu sống phải đạo, đúng pháp luật; là tấm gương cho nhiều lớp đảng viên trẻ học tập.

Hôm nay, bà Mười rất xúc động khi được Bí thư Chi bộ Khu phố 9 Phạm Quang Vũ và Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Túc Trần Thị Hải Yến ghé thăm. Bà tự hào khoe cháu nội mình đang tham gia công tác tại địa phương và đã được kết nạp Đảng. Nhờ rèn luyện sức khỏe theo tấm gương của Bác, học tập ý chí và cách sống thanh đạm của Người, năm nay dù đã gần 90 tuổi, bà vẫn thấy vui khỏe, hằng ngày chăm sóc vườn tược và tìm hiểu sâu hơn thân thế, sự nghiệp của Bác.

Cũng gắn bó cả đời với mảnh đất Tân Túc, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai được người dân biết đến qua 33 năm làm công tác từ thiện xã hội trong các vai trò khác nhau: Chi hội Phụ nữ, cộng tác viên dân số, Chi hội Chữ thập đỏ, thành viên Tổ giảm nghèo của khu phố 4. Mới đây, khi con đường Tập Đoàn 7-11 trong ấp mở rộng, chị đã bỏ công trồng hoa, bỏ tiền mua phân bón, vận động gia đình tham gia trồng, chăm sóc. Thấy chị trồng hoa làm cho con đường làng quê thêm sạch đẹp, nhân dân trong khu vực cùng nhau chung tay trồng, chăm sóc cho cây đơm hoa. Giờ đây, mỗi độ ban mai hay những buổi chiều tà, con đường trở thành điểm chụp hình cho rất nhiều dân địa phương. Chị Mai chia sẻ, học theo Bác Hồ chính là làm đẹp cho quê hương, cho tâm hồn mỗi người dân Tân Túc.

Theo Bí thư Đảng ủy Trần Thị Hải Yến: “Có rất nhiều mô hình hay của nhân dân và chính quyền địa phương đã được biểu dương, nhân rộng, như: “Thư viện từ sản phẩm tái chế” đã dùng băng-rôn cũ tái chế thành 50 túi xách, 60 bóp đựng viết; “Áo dài 0 đồng” đã tiếp nhận 350 bộ, trao tặng 200 bộ áo dài cho chị em nghèo; “Căn nhà tình nghĩa” đã vận động sửa chữa 3 căn nhà tình thương trị giá 136 triệu đồng; Tổ hợp tác trồng lúa ST-25 huy động cho 8 nông dân trồng loại lúa ngon, phát triển kinh tế; mô hình “Thực phẩm bảo vệ môi trường xanh...” vận động nông dân nuôi cá sạch, không dùng hóa chất trong ao... Chúng tôi quyết tâm xây dựng Tân Túc phát triển bền vững, thân thiện từ các công việc học theo Bác mỗi ngày!”.

Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh, qua sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các kế hoạch, chương trình hành động.

Năm 2021, lãnh đạo chi bộ, đảng bộ cơ sở triển khai tuyên truyền chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” với 194 đợt, 11.546 lượt người dự, bằng các hình thức phù hợp. Năm 2022, huyện đã tổ chức Hội thi “viết nhật ký về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát động mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi lại những việc đã làm theo Bác hoặc chưa làm theo Bác mỗi ngày để từ đó tự soi, tự sửa, phấn đấu làm theo Bác từ những việc làm hằng ngày. Năm 2023, tổ chức chuyên đề “Lan tỏa văn hóa ứng xử, giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay” và chuyên đề “Nâng cao đạo đức công vụ và công tác vận động quần chúng nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho 1.254 người tham gia.

Nhiều tập thể, cá nhân điển hình đã xuất hiện, cùng các công việc tuy bình dị nhưng sâu sắc, nhân văn. Đảng bộ xã Bình Hưng đã thực hiện 62 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các chung cư, cơ sở tôn giáo, địa bàn dân cư và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của đảng viên, đoàn viên, hội viên và đông đảo nhân dân. Đồng chí Khấu Dũng Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy Công an huyện Bình Chánh đã tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng bộ và phát hành đến các đơn vị Sổ vàng “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” để ghi nhận lại các việc tốt, việc thiện giúp dân của tập thể đơn vị và cá nhân cán bộ, chiến sĩ nhằm đánh giá kết quả thực hiện và phục vụ công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, xét danh hiệu thi đua.

Là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ Tổ 9 (ấp 1 xã Phạm Văn Hai) chị La Thị Quỳ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tuyên truyền cung cấp kiến thức hay, bổ ích cho chị em phụ nữ. Tiệm may của chị là địa điểm tập kết mô hình “Áo dài 0 đồng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phạm Văn Hai để “ai dư thì đến cho, ai cần thì đến lấy”...

Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, công tác giải ngân vốn đầu tư công kịp tiến độ là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng quê hương, cải thiện cuộc sống người dân. Do đó Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập 12 Tổ giám sát, 8 Tổ vận động để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Kết quả, trong năm 2021, giá trị giải ngân của huyện đạt 92,75%; năm 2022 đạt 95,53%; năm 2023, đạt 99,48% kế hoạch vốn giao.