Bảo đảm lợi ích của người dân khi chia tách, sáp nhập khu phố

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-HÐND ngày 14/3/2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố trên địa bàn (Nghị quyết 11), các địa phương đã hoàn thành các kế hoạch, công tác để sớm ổn định bộ máy, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện các khu phố đóng góp ý kiến về tổ chức, bộ máy của khu phố tại Hội nghị triển khai việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp.
Ðại diện các khu phố đóng góp ý kiến về tổ chức, bộ máy của khu phố tại Hội nghị triển khai việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp.

Nhiều khó khăn về nhân sự, địa bàn hoạt động, cơ sở vật chất,… tại nhiều khu phố chưa được khắc phục dẫn đến người làm công tác khu phố càng thêm vất vả.

Nhiều vướng mắc phát sinh tại cơ sở

Sau khi hoàn thành việc triển khai Nghị quyết số 11, để nắm bắt tâm tư, kết quả thực hiện công tác này, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện việc khảo sát thực tế tại tám khu phố thuộc các Quận 5, 11, 12, huyện Củ Chi; Mặt trận địa phương cũng tổ chức khảo sát lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức. Thực tế cho thấy, có nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết.

Ðơn cử, về cơ sở vật chất, đa số khu phố, ấp không có văn phòng khu phố, ấp chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung hoặc quy mô chưa bảo đảm; còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của khu phố, ấp. Phần lớn cổng chào khu phố, ấp chưa thay đổi theo tên khu phố, ấp mới sau khi thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập. Về nhân sự và công tác phối hợp, hiện nay vẫn chưa hoàn thiện quy chế, quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trưởng khu phố, ấp; chưa hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động giữa các thành viên, tổ chức trong khu phố, ấp.

Các chức danh chính tại một số khu phố, ấp vẫn đang kiêm nhiệm các chức danh còn lại của khu phố khiến khối lượng công việc cần xử lý rất nhiều. Do nhân sự khu dân cư ít, khó vận động người tham gia cho nên một số thành viên khu phố thực hiện công tác kiêm nhiệm; trong đó, có người kiêm nhiệm nhiều chức danh.

Trưởng khu phố, ấp là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu phố, ấp nên việc thực hiện công tác tuyên truyền vận động sẽ có nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác vận động đóng góp, ủng hộ các nguồn quỹ, không có cơ chế phân công thủ quỹ, kế toán cho nên việc thu chi, thu nộp tiền gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm quy tắc tài chính. Hơn nữa, một số khu dân cư có số hộ dân đông (trên 700 hộ, 800 hộ) nên áp lực công việc càng lớn.

Hiện nay, một số khu phố mới thành lập là khu phố tại các chung cư, việc tiếp cận người dân để tuyên truyền vận động là rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Chi bộ Khu phố 4, Phường 22, quận Bình Thạnh cho biết: Phường 22 hiện có 26 khu phố, trong đó có 13 khu phố là khu dân cư, 13 khu phố là chung cư căn hộ cao cấp. Việc tổ chức các công tác, hoạt động tại 13 chung cư căn hộ cao cấp này rất khó khăn, nhất là việc đi lại giữa các tòa nhà, giữa các tầng trong tòa nhà với nhau.

Bên cạnh đó, một số thành viên chưa nắm hết địa bàn phát sinh, công tác tuyên truyền, giới thiệu thông tin cá nhân đến người dân chưa kịp thời, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động thu các nguồn quỹ. Một số nơi phải huy động các Tổ trưởng dân phố đã bãi miễn cùng tham gia để hỗ trợ. Về kinh phí hoạt động và phụ cấp, dù công tác triển khai chia tách đã hoàn thành từ tháng 4/2024 nhưng đến nay, một số khu phố, ấp chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hằng tháng theo quy định. Ðại diện nhiều khu phố cũng phản ánh, kinh phí phụ cấp hỗ trợ vẫn chưa thật sự hợp lý để thu hút nhân sự tham gia vào ban điều hành của khu phố, chức danh có phụ cấp phải san sẻ kinh phí cho những chức danh không có phụ cấp để cùng hoạt động chung cho khu phố.

Sớm ổn định để yên dân

Triển khai Nghị quyết số 11, sau khi hoàn thiện việc sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới (từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trước đây, sau sắp xếp đã giảm 20.516 tổ chức; về nhân sự, sau sắp xếp, số nhân sự còn 43.749 người, giảm 20.544 người); giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã. Các quyết định về số nhân sự, mức khoán quỹ phụ cấp, phụ cấp của các chức danh khu phố, ấp cũng đã được triển khai từ đầu tháng 4 năm nay.

Tuy vậy, với nhiều khó khăn thực tế tại cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi các kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nhằm ổn định bộ máy, cơ sở vật chất tại các khu phố, ấp để các đơn vị đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm đời sống cho người dân thành phố. Mặt trận thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố sớm ban hành Quy chế hoạt động của khu phố có quy định rõ nhiệm vụ của Trưởng khu phố, mối quan hệ giữa các thành viên hoạt động trên địa bàn khu phố; Sở Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp; Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cần xem xét bố trí địa điểm sinh hoạt, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với nhiệm vụ của khu phố, ấp trong tình hình mới.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết: Các kiến nghị của đại diện các khu phố sẽ sớm được trình Ủy ban nhân dân thành phố để thành phố sớm ban hành quy chế hoạt động; từ đó, làm căn cứ cho công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Sở Nội vụ kiến nghị các sở, ngành có liên quan xây dựng các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho các chức danh ở khu phố, ấp hoạt động hiệu quả. Sở Nội vụ cũng kiến nghị đơn vị liên quan chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã rà soát các trụ sở hoạt động của khu phố, ấp để có định hướng hỗ trợ; quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố, ấp.