Nỗi lo về lối thoát hiểm
Nhận thấy nhu cầu ở trọ của người chăm nuôi bệnh nhân, nhiều hộ dân trong các hẻm nhỏ gần Bệnh viện Nhi Ðồng 1 (đường Lý Thái Tổ, Phường 9, Quận 10) đã ngăn phòng cho thuê. Các nhà cao tầng tại đây được xây dựng theo dạng nhà ở nên chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm là cửa ra vào ở tầng trệt. Nhiều người dân xây lấn không gian trên các tầng để tăng diện tích nhà nhằm chia được nhiều phòng nhỏ.
Theo lời giới thiệu của bà T., chủ một căn nhà hai tầng cho thuê phòng trọ mini trong một con hẻm đối diện Bệnh viện Nhi Ðồng 1, nhà bà có nhiều phòng với đa dạng mức giá. Bà T. cho biết: Ở khu vực gác bếp có hai phòng dạng hộp diêm. Dạng phòng này chỉ vừa đủ đặt một tấm nệm và treo võng, phòng dùng quạt máy có giá 130.000 đồng/ngày, phòng máy lạnh giá 150.000 đồng/ngày. Mọi sinh hoạt thường ngày đều diễn ra trong phòng, kể cả phơi đồ.
Ngoài ra, bà T. có bốn phòng trên tầng có giá từ 200.000-250.000 đồng/ngày. Cầu thang lên các tầng chưa đến 0,5m, chỉ vừa đủ cho một người đi. “Người thuê ở đây chủ yếu là đi nuôi người bệnh nên thuê ngày nào trả tiền ngày đó, họ chỉ ở tạm nên cũng không nấu nướng gì. Tôi cũng sợ cháy nổ nên dặn khách không nấu ăn trong phòng”, bà T. nói.
Chăm con nhập viện ở Bệnh viện Nhi Ðồng 1, anh Lê Hoàng Sơn (35 tuổi, quê Ðồng Nai) thuê căn phòng chưa đầy 6 m2 trong một con hẻm trên đường Lý Thái Tổ với giá 200.000 đồng/ngày. Anh Sơn chia sẻ: “Phòng nhỏ, không có cửa sổ nên rất ngột ngạt, nhà chủ cũng chỉ có duy nhất một lối thoát là cửa ra vào ở tầng trệt. Tôi cũng sợ lỡ cháy thì không chạy được, nhưng vì giá phòng rẻ, gần bệnh viện nên bất đắc dĩ thuê ở tạm vài ngày”.
Dạng phòng trọ mini mọc lên như nấm quanh các khu vực bệnh viện, công ty, nhà máy, trường học… Tại một căn trọ bốn tầng, một trệt giữ xe trên đường Bùi Xuân Phái (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), mỗi phòng được xây rộng khoảng 10 m2. Mỗi tầng được chia thành chín phòng và có phòng riêng cho công-tơ điện, tuy nhiên, căn phòng này cũng được chủ nhà dùng làm phòng phơi đồ.
Theo quan sát, chủ nhà có trang bị bình chữa cháy mini ở mỗi tầng nhưng không lắp đặt đầu báo khói và hệ thống phun nước chữa cháy tự động. Khu vực tầng trệt để xe chứa hàng chục xe máy xếp san sát. Từ cửa ra vào, khách thuê trọ phải đi qua bãi gửi xe đến cuối hành lang để lên cầu thang bộ, đây cũng là lối thoát hiểm duy nhất của căn trọ.
Cùng bạn thuê phòng với giá 3,5 triệu đồng mỗi tháng, K.L. (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tuy lo lắng vì căn trọ chưa bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cô vẫn chấp nhận thuê trọ tại đây vì giá thuê phòng phù hợp với túi tiền của sinh viên ở ghép. “Phòng tôi thuê nằm bên dãy không có cửa sổ, cuối hành lang của dãy phòng cũng được bịt kín nên nếu có cháy xảy ra thì chỉ có thể chạy xuống bằng thang bộ. Giả sử cháy ở tầng trệt thì không biết phải chạy đi đâu vì căn trọ cũng không có tầng thượng”, K.L. chia sẻ.
Khách thuê ở đây phần lớn là sinh viên trường đại học trong địa bàn có nhu cầu tìm phòng gần trường. Nhận thấy nhu cầu đó, nhiều hộ dân khác trong khu vực cũng tận dụng nhà ở cao tầng chia thành nhiều phòng trọ mini cho sinh viên thuê. “Tôi lo lắng nên đang tìm phòng khác ngang tầm giá nhưng hầu hết phòng gần đây đều tương tự căn trọ này, những căn có nhiều tầng hơn và có thang thoát hiểm thì “cháy” phòng rất nhanh”, K.L. nói.
Phụ thuộc vào ý thức và điều kiện của người dân
Tại khu cư xá Thanh Ða (quận Bình Thạnh), “chuồng cọp” được lắp đặt san sát nhau. Nhiều cư dân cho rằng, đây là biện pháp để chống trộm và bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, nhiều hộ tận dụng khu cơi nới làm nơi phơi quần áo và kho chứa đồ dùng ít sử dụng. Tuy nhiên, nếu xảy ra hỏa hoạn, những “chuồng cọp” sẽ làm hạn chế lối thoát nạn của cư dân.
Theo ghi nhận, hành lang cư xá đã xuống cấp nặng nề, ẩm thấp, đường ống nước và dây cáp điện được lắp đặt chằng chịt trên trần nhưng không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Một cư dân lâu năm ở cư xá chia sẻ, khu này khá thoáng nên nếu có cháy cũng dễ thoát nạn hơn các chung cư mini, phòng trọ mini bít bùng. “Nhà tôi ở đây đã mấy chục năm, chưa thấy xảy ra cháy nên trước đây cũng không lo lắng.
Từ khi chung cư xuống cấp, cộng thêm nghe báo đài đưa tin nhiều vụ cháy thì cũng quan tâm hơn, nên khi lắp đặt lồng sắt thì chọn loại có cửa nhỏ để dễ thoát nạn”, cư dân này nói. Khi được hỏi về công tác phòng cháy, chữa cháy, cư dân này lắc đầu: “Cư xá không trang bị sẵn, hộ dân nào có điều kiện thì tự lắp đặt hệ thống báo khói và trang bị bình chữa cháy mini riêng”.
Trong địa bàn thành phố, có không ít chung cư xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tại chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10), phía trước cửa mỗi căn hộ đều chằng chịt dây điện, cột điện tiềm ẩn rủi ro chập điện nhưng hành lang các tầng lại không trang bị bình chữa cháy. Trong khi đó, chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) thì nhan nhản lưới sắt bịt kín ban công. Việc phòng chống cháy nổ như lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cảm biến khói, chuông báo, tháo gỡ hoặc mở cửa “chuồng cọp” gần như phụ thuộc vào ý thức và điều kiện kinh tế của người dân.
Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có thể mua bình chữa cháy mini và nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống cháy nổ. Với tâm lý chủ quan, cho rằng “chạy kiểu gì cũng thoát”, bà Nguyễn Minh Ngọc, người thuê trọ tại một dãy trọ bảy phòng trên đường T1 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) chia sẻ: Chỉ quan tâm đến giá thuê phòng rẻ, chỗ thuê sạch sẽ chứ chưa nghĩ đến công tác phòng cháy. Căn phòng rộng khoảng 10 m2, có gác lửng được bà Ngọc thuê hơn một năm nay với mức giá 1,8 triệu đồng/tháng, lối ra vào chật hẹp của dãy phòng cũng là lối thoát hiểm duy nhất.
Khi được hỏi về việc chủ trọ chưa trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bà Ngọc cười: “Với giá thuê phòng này thì không đòi hỏi nhiều được, cháy thì chạy thôi. Khu vực này cũng gần Ðội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nên tôi không sợ lắm”. Với thu nhập chính từ người con làm công nhân, bà Ngọc cho biết gia đình bà cũng không đủ điều kiện tự mua bình chữa cháy mini.
Tương tự, tại một số dãy trọ trong khu vực Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, không khó để bắt gặp những dãy phòng trọ có hàng chục người sinh sống nhưng lối ra vào lại vô cùng nhỏ hẹp, thiếu các thiết bị phòng cháy, chữa cháy cần thiết. Lối di chuyển bên trong được người dân tận dụng làm chỗ để xe, phơi quần áo, chất đồ đạc… Ðây là cản trở lớn đối với việc thoát hiểm nếu phát sinh sự cố hỏa hoạn.