Khi trường đại học “lắng nghe” doanh nghiệp

Bên cạnh việc bảo đảm khung chương trình đào tạo, nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động mở rộng mạng lưới kết nối doanh nghiệp để lắng nghe nhu cầu thực tế từ thị trường lao động. Việc bắt tay với doanh nghiệp giúp các trường kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết, góp phần hoàn thiện, nâng chuẩn đầu ra cho sinh viên.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp cận doanh nghiệp tại Ngày hội việc làm.
Sinh viên Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp cận doanh nghiệp tại Ngày hội việc làm.

Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức chương trình “Kết nối doanh nghiệp-Open Business Matching 2024” với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Ðây là năm thứ hai nhà trường tổ chức chương trình này nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn nhất từ các nhà tuyển dụng với nguồn lực nhân sự trẻ do trường đào tạo.

Trong khuôn khổ chương trình còn có tọa đàm “Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong công tác hướng nghiệp, việc làm cho sinh viên”. Tại đây, đại diện một số doanh nghiệp đã cung cấp các thông tin hữu ích về mô hình kết nối hiệu quả; đồng thời, đưa ra nhận xét cụ thể đối với sinh viên kiến tập, thực tập, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp nhà trường hỗ trợ người học tốt hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và mở rộng mạng lưới hợp tác với gần 600 doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo gắn liền thực tiễn, hỗ trợ sinh viên trong công tác hướng nghiệp, thực tập, kiến tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Việc nhà trường chủ động kết nối, đưa sinh viên đến với “môi trường doanh nghiệp” đã giúp người học có thêm cơ hội rèn luyện, tích lũy kiến thức chuyên môn, tăng cường trải nghiệm.

Riêng năm 2023, nhà trường đã cùng doanh nghiệp triển khai gần 200 hoạt động hợp tác tại các khoa, tổ chức các ngày hội việc làm đa dạng quy mô, mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm cho sinh viên. Bên cạnh đó còn có các cuộc thi học thuật, tọa đàm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội thảo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… nhằm cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên trước khi gia nhập thị trường lao động.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, việc phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp suốt thời gian dài đã khai thác tốt năng lực và thế mạnh của mỗi bên. Mối quan hệ này cũng giúp trường tận dụng hiệu quả các tiềm năng về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn.

Do vậy, không chỉ lắng nghe phản hồi, ý kiến xây dựng từ doanh nghiệp để đào tạo sát với nhu cầu của nhà tuyển dụng hay giúp doanh nghiệp tuyển chọn nhân sự chất lượng cao, nhà trường còn phối hợp nghiên cứu khoa học các vấn đề do doanh nghiệp đề xuất hoặc tham gia các đề tài, dự án về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp như một cách đồng hành.

“Giảng đường doanh nghiệp” cũng là kênh tương tác được Trường đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng hiệu quả, góp phần đa dạng hóa kênh thực tập, kiến tập và việc làm cho sinh viên. Theo đó, nhiều năm qua, trường đã tạo được mạng lưới kết nối chất lượng với rất nhiều tập đoàn, công ty đa lĩnh vực. Cùng với việc tiếp nhận sinh viên của trường đến thực tập, kiến tập, bố trí nhiều vị trí việc làm phù hợp, doanh nghiệp còn phối hợp tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của đơn vị, cử chuyên gia đến giảng dạy, chia sẻ tại các buổi hội thảo, tọa đàm do nhà trường tổ chức.

Trong khi đó, nhà trường cũng có nhiều “ưu tiên” cho các đối tác là doanh nghiệp như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng, cùng doanh nghiệp nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, các vị trí việc làm… Kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp, doanh nhân đã giúp ích cho Trường đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình hỗ trợ sinh viên hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng, gia tăng tính cạnh tranh trong thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao như hiện nay.

Hiệu quả của đào tạo gắn kết với doanh nghiệp được thể hiện rõ ở tỷ lệ 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong năm đầu tiên. Trong đó, 60% sinh viên của trường được doanh nghiệp giữ lại làm việc sau kỳ thực tập vì đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ nhà tuyển dụng.

Sau 10 năm triển khai hoạt động kết nối hợp tác với doanh nghiệp, Trường đại học Tài chính-Marketing đã có gần 200 địa chỉ tin cậy là các tập đoàn, công ty lớn thuộc nhiều lĩnh vực để thường xuyên tổ chức chương trình tham quan, học tập thực tế cho sinh viên. Không dừng lại ở việc đa dạng hóa môi trường tiếp cận, tăng cơ hội việc làm cho người học, nhà trường còn mời doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chiến lược phát triển chung, góp ý xây dựng chương trình đào tạo.

Nhà trường cũng chủ động tổ chức lấy ý kiến của đơn vị sử dụng lao động cho các chương trình đào tạo chuẩn, chương trình tích hợp và chuẩn đầu ra cho sinh viên. Từ những đóng góp của doanh nghiệp, nhà trường liên tục cập nhật, bổ sung kiến thức mới dựa trên khung chương trình căn bản, từ đó giúp sinh viên khi ra trường sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao thay vì mỏi mệt “đào tạo lại”. “Quá trình học tập kinh nghiệm tại doanh nghiệp giúp sinh viên tiếp cận môi trường văn hóa của các công ty, lắng nghe chia sẻ từ các doanh nhân, chuyên gia, từ đó biết cách xây dựng lộ trình học tập, hòa nhập nhanh vào các vị trí việc làm trong tương lai.

Nhà trường cùng doanh nghiệp còn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thông qua các hội thảo chuyên đề, tọa đàm để các bạn hình dung từng vị trí việc làm cùng những kỹ năng cần phải có đối với các công việc khác nhau. Hằng năm, nhà trường còn tổ chức “Ngày hội tuyển dụng tích hợp UFM”, mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm và học tập cho sinh viên”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính-Marketing cho biết thêm.