Giải bài toán sắp xếp đơn vị hành chính (Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Bảo đảm lợi ích của người dân

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt với quy mô dân số gần 12,3 triệu người. Với việc thay đổi đơn vị hành chính liên tục trong nhiều năm trở lại đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của người dân. Việc bảo đảm lợi ích, hài hòa các yếu tố nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân; qua đó, phục vụ cho mục tiêu phát triển chung là vấn đề thành phố cần đặc biệt quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Một trụ sở công bỏ trống nhiều năm sau sáp nhập đơn vị hành chính tại Quận 10 chưa được sửa chữa để sử dụng lại. (Ảnh Thế Anh).
Một trụ sở công bỏ trống nhiều năm sau sáp nhập đơn vị hành chính tại Quận 10 chưa được sửa chữa để sử dụng lại. (Ảnh Thế Anh).

Hướng đến nhiều mục tiêu tích cực

Theo thống kê, kể từ năm 1975 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có bảy lần sáp nhập tách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, năm 1997 là lần có quy mô thay đổi lớn nhất với việc thành phố thành lập năm quận mới (tách huyện Thủ Đức thành ba quận (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức); thành lập Quận 12 sau khi tách ra từ huyện Hóc Môn và thành lập Quận 7 từ việc tách ra từ huyện Nhà Bè). Đến năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh lại sắp xếp 19 phường thành 9 phường và sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức).

Thống kê chưa đầy đủ nhưng việc sắp xếp đơn vị hành chính tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân, nhất là thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính. Đơn cử, trong đợt tách nhập 80 phường thuộc sáu quận thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030 lần này đã có hơn 1,1 triệu người phải kê khai thực hiện lại các thủ tục hành chính, giấy tờ tùy thân.

Việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 lần này rất quan trọng vì: việc sắp xếp này của thành phố phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác này còn giúp hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương được kết nối đồng bộ. Không gian quy hoạch không còn bị chia cắt, manh mún.

Các vấn đề về môi trường được quan tâm triển khai tích cực hơn, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, các thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa, giúp giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó sẽ giảm đáng kể chi phí cho việc chi trả lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng như xây dựng, sửa chữa trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Tránh máy móc trong thực hiện

Mục tiêu đặt ra là vậy, tuy nhiên, thực tiễn thực hiện, người dân, các chuyên gia đã nêu nhiều vấn đề thực tế cần sớm được giải quyết. Tại hai hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Hùng, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: Mỗi lần có sự thay đổi về đơn vị hành chính, người dân cảm thấy băn khoăn vì phải thay đổi nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính của gia đình, nơi cư trú cũng như nhiều phát sinh khác. Chính quyền địa phương các cấp cần có kế hoạch, chương trình để hỗ trợ, giúp đỡ người dân về vấn đề này sao cho thuận tiện, nhanh chóng.

Bà Đoàn Thị Thanh Xuân, ngụ Quận 5 cho rằng: Việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này cũng là cơ hội để các địa phương lựa chọn được những nhân sự giỏi phục vụ cho công tác hành chính, quản lý tại địa phương. Do đó các đơn vị cần cân nhắc, phát hiện những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất; đồng thời, đối với số nhân sự dôi dư, các địa phương cần có phương án phù hợp, kịp thời để ổn định tâm lý, nguyện vọng của cán bộ. Ông Lâm Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Quận 11 đề xuất: Khi sắp xếp đơn vị hành chính cần đánh giá tác động các vấn đề liên quan sẽ phát sinh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân như hộ tịch, pháp lý các giấy tờ nhà đất...

Đồng thời, cần phải phân công các cơ quan chịu trách nhiệm phải chủ động giải quyết từ bây giờ. Ông Lâm Tấn Hùng đề nghị phương án sắp xếp cần tính toán lại quy định độ tuổi để tạo điều kiện cho một số cán bộ đã làm việc lâu năm có thể yên tâm cống hiến; quan tâm việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ nhằm phục vụ người dân tốt nhất.

Tham gia phản biện về dự thảo đề án này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan hữu trách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ về nhà đất, hộ tịch... do thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần cầu thị lắng nghe, theo dõi, nắm bắt tình hình và giải quyết vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Để làm tốt vấn đề này, việc ứng dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với người dân là một trong những giải pháp hữu hiệu để người dân tiếp cận được các thông tin chính thống, xác thực nhanh nhất.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là một trong các quyết tâm chính trị lớn của thành phố nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân. Để quá trình này diễn ra thuận lợi, thành phố cần làm tốt công tác nhân sự phục vụ cho bộ máy chính quyền.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố tuy ít nhiều có xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương cho nên đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

(★) Xem trang Thành phố Hồ Chí Minh Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2/7/2024.