Khắc phục hạn chế trong công tác quy hoạch

Những bất cập trong quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dự án kéo dài hàng chục năm chưa được triển khai, làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức.
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch giai đoạn 2010-2023 cho thấy, chất lượng các đồ án quy hoạch được phê duyệt còn chưa cao, nguồn thông tin, số liệu, dữ liệu phục vụ nghiên cứu lập quy hoạch chưa được cập nhật kịp thời, chưa tích hợp đồng bộ các loại quy hoạch. Công tác dự báo trong quy hoạch về dân số, động lực phát triển, nhu cầu đầu tư chưa chính xác và hợp lý.

Các khu vực quy hoạch công trình phúc lợi công cộng, mở rộng đường hoặc đường dự phòng, công viên cây xanh... chưa xác định được nguồn lực thực hiện trong khi các chính sách về quản lý nhà, đất trong xây dựng-sửa chữa nhà, tách thửa đất ở, mua bán, chuyển nhượng, thế chấp tài sản... còn nhiều hạn chế. Thực tiễn này chưa tạo sự công bằng giữa nhà, đất trong khu vực quy hoạch và nhà, đất ngoài khu vực quy hoạch có cùng điều kiện tạo lập. Qua đó ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư trong các khu vực quy hoạch.

Theo ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế thời gian qua, người dân có đất trong khu vực quy hoạch làm các công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, đường giao thông dự phòng gặp khó khăn khi xin giấy phép xây dựng, chuyển nhượng hay cầm cố nhà, đất. Nhiều đồ án quy hoạch công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh ngay trên đất ở của người dân nhưng lại chưa có nguồn lực triển khai. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trong khu vực đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp vẫn chưa gỡ vướng được.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, tình trạng dự án treo, quy hoạch treo gây ra sự bất an, người dân không thể an cư lạc nghiệp. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải của Quốc hội, nhưng vì Ủy ban nhân dân thành phố và các quận, huyện không giải quyết rốt ráo nên người dân mới bức xúc phản ánh.

Theo thống kê, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với khoảng 600 đồ án. Tuy nhiên, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát lại các dự án, đồ án các quy hoạch; tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn, nếu quy hoạch treo, dự án chậm triển khai không thực hiện thì phải xóa quy hoạch, thu hồi và hủy bỏ để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chính quyền cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, không để xảy ra tình trạng dự án chậm triển khai. Nếu quy hoạch đã có chủ đầu tư thực hiện dự án mà chủ đầu tư không triển khai thì thành phố phải có biện pháp, chế tài, không để gây thiệt hại cho người dân.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân trong khi nhiều đồ án quy hoạch chưa được thực hiện đúng thời hạn, thành phố cho phép người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ tối đa 3 tầng trong khu vực quy hoạch chức năng đất sử dụng hỗn hợp và quy hoạch đất dân cư xây dựng mới. Riêng những khu đất ở đã có nhà ở hiện hữu, cần xây dựng lại thì quy mô tối đa 3 tầng hoặc bằng tầng cao nhà hiện hữu.

Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có nhà, quyền sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch chức năng đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở và quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đất cây xanh và giáo dục (theo đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000), các sở, ngành đã phối hợp địa phương lập điều chỉnh quy hoạch phân khu (cục bộ hoặc tổng thể). Trong đó, điều chỉnh các khu vực quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới chưa có kế hoạch thực hiện, thiếu tính khả thi, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thành quy hoạch đất dân cư hiện hữu (hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang) trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.

Ông Bùi Xuân Cường cho rằng, Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm và được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) không phải là đất ở sang đất ở. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch phân khu hay chi tiết xây dựng đô thị (theo Luật Quy hoạch đô thị) về đất ở có phân loại: đất ở hiện hữu chỉnh trang; đất ở xây dựng mới; đất ở xây dựng dài hạn, ngắn hạn, đất ở hỗn hợp. Trong đó, đất ở xây dựng mới thuộc khu vực lập dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở khu vực dự kiến phát triển đô thị mới.

Do đó, khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở đối với trường hợp này gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương có quy định tích hợp: quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm với các chỉ tiêu sử dụng đất được duyệt, nhằm tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được chuyển mục đích sử dụng đất.