Buổi khai mạc tuần lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt được diễn ra vào cuối tuần qua tại Đường sách Thành phố. Ngoài trưng bày, giới thiệu về cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban tổ chức còn thực hiện buổi giao lưu nhận tác phẩm nổi tiếng “Kính chào thế hệ thứ tư” của ông được Sở Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản với phiên bản đặc biệt.
Đây là cuốn sách quý của nhiều người, đặc biệt là cuốn cẩm nang truyền cảm hứng, giáo dục lý tưởng cách mạng của tuổi trẻ. Bởi từng trang là từng lời tâm huyết của thế hệ đi trước gửi cho thế hệ đi sau, dặn dò thanh niên phải sống có lý tưởng, hoài bão và ước mơ cao đẹp, phải biết khát khao làm giàu cho Tổ quốc, phải sống có trí tuệ, lương tâm và tình cảm với nhân dân, với dân tộc. Những bài phát biểu quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt trong cuốn sách “Kính chào thế hệ thứ tư”, với cương vị Bí thư Thành ủy, là tình cảm và niềm tin cậy của ông với thế hệ trẻ thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Trong không khí dễ chịu của một ngày cuối tuần, dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), nguyên quyền Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn là một trong những đại biểu đến tham dự chương trình sớm nhất. Nhìn những bức ảnh, những công trình mang dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt được giới thiệu tại Đường sách, bà Trương Mỹ Lệ vô cùng xúc động. Bà cho biết: Sau khi đất nước thống nhất, bà mới có nhiều kỷ niệm với đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là lãnh đạo thành phố.
Tháng 5/1975, bà được phân công giữ chức Bí thư Quận ủy Quận 11, một quận mới của thành phố lúc bấy giờ. Lúc này thành phố còn trong giai đoạn quân quản, tình hình chính trị, an ninh, trật tự còn nhiều vấn đề phức tạp. Là một cán bộ nữ, lại rất trẻ, bà Trương Mỹ Lệ có phần lo lắng với cương vị là Bí thư Quận ủy. “Tôi nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt đã kêu tôi lên hỏi thăm công việc. Tôi đã thể hiện sự lo lắng của mình khi đảm nhận nhiệm vụ mới” - bà Trương Mỹ Lệ chia sẻ. Bà cho biết thêm: Sau khi bà trình bày, đồng chí Võ Văn Kiệt động viên và tin tưởng bà sẽ làm được và làm giỏi công việc được giao. Với những năm đấu tranh gian khổ, tù đày, đồng chí Tư Liêm đã vượt qua được thì bây giờ những khó khăn mới sẽ vượt qua được.
Những lời nói, động viên ấy của đồng chí Võ Văn Kiệt làm cho bà Mỹ Lệ rất an tâm. Bà như được thắp lửa để tiếp tục đối đầu với những thách thức mới. Rồi đồng chí Võ Văn Kiệt phân tích, Quận 11 là quận nội ven cho nên còn nhiều đất đai. Cô Tư Liêm chọn nơi nào giúp cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng khu vui chơi cho người dân. “Tôi về hội ý với quận và đã chọn khu đầm lầy 55ha để làm khu vui chơi.
Đến ngày 15/2/1976 là ngày khởi công xây dựng khu giải trí. Đây chính là Công viên Văn hóa Đầm Sen, địa điểm giải trí quen thuộc với du khách cả nước khi đến thành phố. Chú Sáu Dân là người đầu tiên cuốc đất xây dựng công trình. Giờ đây, mỗi lần đi ngang qua nơi này tôi đều nhớ đến chú. Công trình là dấu ấn đầu tiên của đồng chí Võ Văn Kiệt sau ngày giải phóng” - bà Trương Mỹ Lệ kể.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng, bác Sáu Dân, tên thân mật của đồng chí Võ Văn Kiệt, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Những cống hiến của bác Sáu Dân cho đất nước và dân tộc được ghi tạc không chỉ bởi nhân dân Việt Nam mà còn được đánh giá rất cao trong lòng bạn bè quốc tế.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước như công trình điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Phú Mỹ, đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam, các công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, nhà máy lọc dầu Dung Quất… Thủ tướng Võ Văn Kiệt không những được thanh niên, nhân dân lao động tin yêu mà cả giới trí thức, nhân sĩ cũng rất quý mến.
Trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức sâu sắc, sáng ngời. Một câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đó là việc “vượt rào cứu đói cho dân”. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn một năm giải phóng, tình hình kinh tế thành phố bước vào khủng hoảng. Lần đầu tiên, nhân dân Sài Gòn phải ăn độn hạt bo bo, khoai, sắn. Không cam tâm để dân đói, cả Thành ủy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt phải lo “chạy gạo”. Ông đã mời lãnh đạo ngân hàng, công ty lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải đến giao nhiệm vụ cụ thể, xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá sát thị trường, gấp ba lần giá nhà nước, để cứu đói cho dân.
Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đồng chí Võ Văn Kiệt là người dám đương đầu với thử thách, rất sâu sát với cơ sở. Ông luôn động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, nhất là thanh niên luôn xung kích trong các phong trào hành động cách mạng. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo rất tin dân và được dân tin, trong khó khăn như vậy vẫn có phong trào, vẫn có khí thế, lấn át được khó khăn.