Nhiều trẻ em nhập viện do bệnh tay, chân, miệng

Những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) phải nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục gia tăng, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng khá nặng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện cần báo cáo thường xuyên để sở giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, có phương án xử lý kịp thời khi dịch bệnh TCM đang bắt đầu bước vào chu kỳ tăng của năm.

Một bệnh nhi mắc bệnh tay, chân, miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Một bệnh nhi mắc bệnh tay, chân, miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Số trẻ mắc bệnh tăng khoảng 50%

Trong số các bệnh viện đang điều trị trẻ mắc TCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 có số lượng trẻ nằm điều trị cao nhất. Mỗi tuần, tại bệnh viện này có khoảng 80 ca mắc TCM phải nhập viện. Con số này tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là 50 ca; ít nhất là Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng hơn 20 ca mỗi tuần.

Tuy chưa ghi nhận trường hợp nào mắc TCM chết, nhưng điều đáng lo là có khá nhiều trẻ bị biến chứng nặng. Chỉ tính riêng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc TCM bị biến chứng nặng lúc nào cũng có từ năm đến 10 trường hợp. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, nếu so với những tháng đầu năm, thì hiện nay số trẻ mắc TCM đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng khoảng 50%. Bệnh này đang bắt đầu bước vào chu kỳ tăng của năm, nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Ngồi co ro trên chiếc ghế xếp, cúi mặt xuống giường con gái 16 tháng tuổi đang nằm điều trị tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, anh HB (ngụ ở quận 5) chỉ biết thở dài khi được bác sĩ thông báo cháu mắc TCM bị biến chứng nặng. “Cách đây khoảng một tháng, cháu bỗng dưng bị sốt liên tục không giảm, tui đưa cháu đi bác sĩ ngoài khám thì chẩn đoán cháu bị viêm họng. Bác sĩ cho thuốc uống trị viêm họng nhưng cũng không khỏi. Gia đình thấy bệnh tình của cháu không giảm nên đã đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc TCM bị biến chứng”, anh HB cho biết.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, phần lớn những trường hợp mắc TCM bị biến chứng nặng này thường có những sang thương không điển hình của bệnh TCM. Người nhà người bệnh, nhất là các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh cần theo dõi thường xuyên. Tăng cường số lần thăm khám trong ngày để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nhiều trường hợp mắc TCM kiểu này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc bệnh chỉ viêm họng thì có bóng nước, chứ không giật mình hay huyết áp cao.

Bắt đầu chu kỳ tăng của bệnh TCM

Tại cuộc họp giao ban với các Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) quận, huyện hồi đầu tháng 5, Trung tâm YTDP thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4-2015, bệnh TCM đã bắt đầu gia tăng. Đây đang là thời điểm chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng nhanh của dịch bệnh TCM.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm YTDP thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, trong tháng 4-2015, thành phố có 631 trẻ mắc TCM phải nhập viện với nhiều ca bệnh nặng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có đến 2.139 trường hợp mắc TCM phải nhập viện. “Cách đây khoảng hai tháng, bệnh TCM gần như không có trường hợp nào nhập viện. Từ giữa tháng 3-2015, bệnh TCM bắt đầu tăng và đến nay, số trẻ mắc bệnh tăng liên tục mỗi tuần. Đây là sự gia tăng theo mùa và mang tính chu kỳ của bệnh. Nhiều khả năng khi bước vào tháng 5, tháng 6, dịch bệnh TCM bước vào chu kỳ tăng của năm, tình hình dịch bệnh này sẽ có những diễn biến phức tạp hơn”, bác sĩ Dũng cảnh báo.

TCM là loại bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp và lây qua đường tiêu hóa; bệnh chưa có vắc-xin ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Thời tiết nắng nóng, bệnh rất dễ phát tán trên diện rộng khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện phải báo cáo liên tục tình hình dịch bệnh mỗi tuần để sở giám sát dịch bệnh, có phương án xử lý kịp thời khi dịch bệnh đang bước vào chu kỳ tăng của năm. Sở Y tế thành phố cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, các cơ sở nuôi dạy, chăm sóc trẻ cần thực hiện triệt để việc vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần đối với đồ chơi của trẻ, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn. Không chỉ rửa tay cho trẻ mà người chăm sóc trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn và vệ sinh cá nhân thường xuyên. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, không được dùng chung dụng cụ cá nhân như: chén, đũa, muỗng...

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh TCM cần cách ly, đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khác.