Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai các biện pháp nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Đến nay, thành phố đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong; giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp ở ngoại thành, đốt rác tự phát; chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã đã trồng được hơn 147.500 cây bóng mát, 110.806 cây cảnh, khóm; 549.449m² mảng cây, thảm cỏ.
Để giải quyết việc xử lý rác thải, thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các công trình, dự án xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Thành phố đã đưa Nhà máy điện rác Sóc Sơn với quy mô lớn và hiện đại (công suất xử lý 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 90MW) vào hoạt động, giảm thiểu việc chôn lấp. Tiếp tục hoàn thành và đưa vào hoạt động Dự án nhà máy điện rác Seraphin công suất 37MW trong quý I/2025. Hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án xử lý rác thải tại huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ.
Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn các quận đạt 100%; trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây từ 95-100%. Tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố được chuyển về các Khu xử lý khoảng 6.800-7.500 tấn/ngày.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng trao đổi, động viên nhân dân phường Thuỵ Khuê tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sáng ngày 21/12. |
Về thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, Ủy ban nhân dân các quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) đã triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đạt kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho biết, thời gian qua quận đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng văn minh, hiện đại, áp dụng tối đa cơ giới hóa. "Hiện, quận Hoàn Kiếm đã xóa 45 điểm chân rác vào ban ngày và người dân đã dần có ý thức trong việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định", bà Lê Anh Thư thông tin.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, nâng cao tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt được triển khai hiệu quả, đạt 100% tại 18 phường.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận luôn bảo đảm thu gom rác thải trong ngày với khối lượng hơn 100 nghìn tấn; giảm 13 điểm tập kết rác gây mất mỹ quan đô thị; thực hiện phân loại rác thải cồng kềnh, tái chế rác thải có hiệu quả, tuy nhiên, khó khăn trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn là thay đổi thói quen của người dân về phương án thu gom rác. “Cùng với tuyên truyền, quận đã lắp đặt 1.500 camera theo dõi giám sát, sắp tới sẽ lắp thêm 2.850 camera để theo dõi để theo dõi, xử lý”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cho biết.
Từ những kết quả đạt được, Hà Nội phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã, khu dân cư tổ chức phong trào tự quản về môi trường. 100% quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện phần loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; chủ động lựa chọn đối tượng và địa bàn ưu tiên triển khai mô hình phân loại, giảm phát thải chất thải rắn sinh hoạt theo lộ trình và đánh giá, nhân rộng các mô hình tốt.
Thành phố phấn đấu 75-80% số ngày trong năm (theo số liệu các trạm quan trắc chuẩn của quốc gia và thành phố) có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình; kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40ug/Nm3 và dưới mức 35ug/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành. 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn.
Hà Nội tổ chức cuộc thi xây dựng xã, phường, thị trấn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn
Để cụ thể hóa các mục tiêu này, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư đề xuất thành phố triển khai các dự án giao thông xanh như phát triển xe buýt điện hoặc xe đạp công cộng; đầu tư thêm các trạm quan trắc không khí tại các khu vực trọng điểm để tăng cường khả năng giám sát và cảnh báo sớm. Quận cũng đề xuất thành phố có biện pháp xử lý mạnh hơn các hành vi vi phạm môi trường để tăng tính răn đe.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính kiến nghị, thành phố sớm có đánh giá tổng thể để xử lý nước thải trên các dòng sông; cho phép lập dự án, cấp kinh phí đầu tư kè sông Nhuệ trên địa bàn để bảo đảm vệ sinh môi trường, chống tái vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng sông trên địa bàn. Huyện cũng kiến nghị Công an thành phố tăng cường xử lý xe chở vật liệu xây dựng không bảo đảm tiêu chuẩn để chống bụi thi công ở công trường.
Tại buổi giao ban mới đây giữa Thường trực Thành ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân thành phố với các quận, huyện về nhiệm vụ này, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, điểm khác biệt của phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp lần này là sự tiếp nối của các phong trào trước đây và không có đích đến, không có điểm dừng, không phát động theo tuần, theo tháng mà làm liên tục hàng ngày, hàng giờ vì một thành phố xanh, sạch, đẹp hơn.
Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cần có sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt để Hà Nội có những thay đổi sâu sắc về môi trường, trong đó xác định rõ việc nào làm trước để triển khai sớm như đẩy nhanh việc làm sạch các dòng sông, siết chặt quản lý phát thải môi trường. “Chúng ta phải quyết tâm để trong vòng 1, 2 năm tới có thay đổi căn bản, 3-5 năm tới có thay đổi sâu hơn đối với những vấn đề đang đối mặt”, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu.