Xây dựng Hà Nội sáng, xanh, sạch, đẹp

Bài 2:Tạo chuyển biến về cấp, thoát nước

Cấp nước sinh hoạt và bảo đảm thoát nước luôn là vấn đề quan trọng đối với cuộc sống người dân ở đô thị. Đến nay, không chỉ “phủ sóng” toàn bộ khu vực nội thành, mạng lưới đường ống cấp nước sinh hoạt đã vươn tới khu vực nông thôn của Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác thoát nước có nhiều tiến bộ, số điểm ngập úng khi xảy ra mưa lớn giảm rõ rệt, thành phố cũng đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Công nhân vận hành hệ thống tiêu thoát nước tại Cụm công trình đầu mối Yên Sở.
Công nhân vận hành hệ thống tiêu thoát nước tại Cụm công trình đầu mối Yên Sở.

Phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt

Tính đến thời điểm này, gần 100% số các hộ gia đình tại huyện Hoài Đức đã được sử dụng nước sạch. Trước đây, ở Hoài Đức, nước máy là chuyện còn khá xa vời, thế nhưng trong năm 2019, huyện còn phải phối hợp các cơ quan tổ chức các lớp tập huấn cho người dân sử dụng nước sạch sao cho hợp lý. Đột phá này đến từ chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc xã hội hóa việc cấp nước sạch. UBND huyện Hoài Đức đã phối hợp hai doanh nghiệp, cùng các xã, thị trấn triển khai lắp đặt đường ống đến các hộ gia đình. 100% số hộ dân các xã Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên đã đăng ký sử dụng nước sạch. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết: “Chúng tôi đã tạm dừng thi công một số dự án đường giao thông liên xã, ưu tiên lắp đặt mạng lưới ống cấp nước sạch trước nhằm giảm chi phí cho Nhà nước và doanh nghiệp. Việc làm này được người dân hết sức ủng hộ”.

Theo kế hoạch, một năm nữa huyện Hoài Đức mới “lên quận”, nhưng rút kinh nghiệm từ thực tế một số địa phương chuyển từ huyện lên quận trước đây, Hoài Đức quan tâm đến hạ tầng, nâng cao chất lượng sống của người dân khi chuyển thành đô thị, trong đó có công tác cấp nước. Việc cung cấp nước sạch tại huyện là một thí dụ điển hình cho tầm nhìn trong công tác cấp nước của thành phố. Hiện 100% số khu vực đô thị của Hà Nội đã có hệ thống cấp nước sạch, bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân. Đối với khu vực này, các đơn vị cung cấp nước sạch tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ. Riêng năm 2018, có bốn dự án cấp nước hoàn thành, với công suất đạt 1,37 triệu mét khối/ngày đêm (gồm dự án xây dựng trạm cấp nước Dương Nội, dự án cải tạo, nâng công suất Nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long - Vân Trì, dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2)...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục khẳng định: “Nhu cầu sử dụng nước của người dân vào thời điểm cao điểm mùa hè có thể tăng từ 5 đến 10%, điển hình như đợt cao điểm sử dụng nước đầu mùa hè 2019, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng lên tới 1,160 triệu nghìn mét khối/ngày đêm, nhưng nguồn cung vẫn bảo đảm, không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt”. Các địa phương được lập đề án nâng cấp thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đều được ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước.

Năm 2018, mới có 55% số người dân ở nông thôn được tiếp cận nước sạch, thì đến nay con số này đã là 65%.

Một số sự cố liên quan đến nước sạch được thành phố chỉ đạo, xử lý kịp thời. Sau khi xảy ra sự cố tại Nhà máy Nước sạch sông Đà, UBND thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng nước sạch, gồm các giải pháp đồng bộ như: chỉ đạo thành lập trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch để thực hiện công tác giám sát; xây dựng phương án bảo vệ an ninh nguồn nước; khoanh vùng bảo vệ khu vực nguồn nước đầu vào…

Các giải pháp này nhằm bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, để người dân yên tâm sử dụng.

Tăng cường năng lực thoát nước

Hà Nội từng có một thời “hễ mưa là ngập”. Những năm gần đây, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiêu thoát nước, xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước liên tục được cải tạo, nâng cấp. Trong hai năm 2017, 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xóa bỏ được bốn điểm trong số 18 điểm thường xuyên úng ngập trên các tuyến phố chính, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép việc xóa các điểm đen úng ngập trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường Phạm Văn Đồng, đường Trường Chinh, đường Minh Khai…

Hệ thống cống thoát nước được kết hợp với hệ thống bơm cưỡng bức giúp việc thoát nước nhanh chóng hơn. Nếu như trước đây, chỉ cần mưa lớn là xuất hiện các điểm ngập trên các tuyến phố Thái Hà, Trường Chinh, thì hiện tại, hệ thống thoát nước đã “chịu tải” được những trận mưa lớn. Quận Hai Bà Trưng là địa bàn có nhiều chuyển biến về công tác thoát nước. Hệ thống thoát nước tuyến phố Lò Đúc được cải tạo, mương K3B, K54, Vĩnh Tuy được cống hóa. Hiện nay, dự án cống hóa mương Lạc Trung chuẩn bị được triển khai, sẽ xóa bốn điểm úng ngập cục bộ. Trên địa bàn quận chỉ còn một điểm tại chân cầu Vĩnh Tuy, xảy ra úng ngập khi lượng mưa từ 100 mm trở lên trong hai giờ.

Đối với công tác xử lý nước thải, Hà Nội đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức với công suất 20 nghìn mét khối/ngày đêm, hoàn thành dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2, đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp; Nhà máy xử lý nước Hồ Tây, Nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì. Từ năm 2016, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đưa Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước vào hoạt động.

Trung tâm gồm 41 trạm đo mưa, 30 trạm đo mực nước tự động được lắp đặt trên địa bàn thành phố, cùng với hệ thống giám sát vận hành các trạm bơm bảo đảm cập nhật thông tin liên tục về trung tâm điều hành, giúp việc chỉ đạo, giải quyết các điểm úng ngập được nhanh chóng, kịp thời. Tiếp nối thành công này, Trung tâm nâng cấp phần mềm cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh, cập nhật hình ảnh trực tiếp từ các ca-mê-ra giám sát điểm úng ngập để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.


(Còn nữa)

Việt Hưng, Ngọc Thanh

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29-11-2019.