Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.
Chương trình thảo luận về hai chủ đề chính: Rác thải rắn và bài toán quản lý, xây dựng đô thị xanh; Chung tay hợp tác công - tư, kết nối các nguồn lực xử lý hiệu quả chất thải rắn.
Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
Với quy mô nền kinh tế, dân số nước ta ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, môi trường ở Việt Nam đã và đang chịu áp lực lớn cả về số lượng, quy mô và mức độ tác động.
Đáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao.
Để giải quyết vấn đề này, Đảng, Nhà nước đã đổi mới căn bản chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành nhiều văn bản pháp luật bảo vệ môi trường. Cụ thể như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường…
Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đổi mới phương thức quản lý chất thải rắn, coi chất thải là tài nguyên sau khi được phân loại để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ rác thải.
Để thực hiện điều này, cần đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Luật cũng đã tạo hành lang pháp lý và mở ra cơ hội thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý rác thải. Cụ thể như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Việc xử lý rác thải cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế. Điều này giúp giảm lượng rác thải đi vào bãi rác và tận dụng tối đa tài nguyên có được từ rác thải; đồng thời, cần xây dựng hệ thống hạ tầng tái chế hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hoạt động tái chế.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 70 nghìn tấn rác thải, tuy nhiên chỉ có 15% lượng rác này được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Qua đó, có thể thấy hoạt động tái chế tại Việt Nam hiện nay chưa được như kỳ vọng.
Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đồng tình cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc tìm các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn là vô cùng cần thiết. Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý, giải pháp công nghệ xử lý, tái chế bảo đảm hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi ý kiến về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn và những tồn tại, khó khăn, thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể theo hướng thống nhất, nhằm mục tiêu quản lý nguồn thải, chất thải rắn, tìm giải pháp ứng dụng công nghệ phù hợp với nguồn lực của từng địa phương theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, từ đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.