Bài 1: Tạo thẩm mỹ đô thị từ chiếu sáng, cây xanh
Những năm gần đây, các con phố của Hà Nội có sự chuyển mình mạnh mẽ. Những hàng cây trên phố, từ chỗ chủ yếu để lấy bóng mát, nay được tạo hình theo đa tầng tán, kết hợp giữa cây xanh, cây hoa, bồn hoa, thảm cỏ. Ban đêm, thay vì chiếu sáng thông thường, thành phố chuyển dần sang dùng đèn led, kết hợp chiếu sáng với làm đẹp các tuyến phố giúp cảnh quan ngày một đẹp hơn.
Hệ thống cây xanh đa tầng tán
Để tăng độ phủ xanh cho thành phố, năm 2016, Hà Nội đề ra chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020. Thành phố đã đôn đốc các ban, ngành, quận, huyện tích cực tham gia với nhiều hoạt động khác nhau. Nhờ đó, chỉ đến hết năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu này, vượt thời hạn đề ra hai năm. Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội phấn đấu trồng mới 600 nghìn cây xanh. Nhiều khả năng, thành phố lại “về đích” trước thời hạn, bởi đến cuối năm 2019, thành phố đã trồng thêm 320 nghìn cây xanh. Với tốc độ gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cơ giới, việc có thêm những hàng cây càng trở nên đáng quý, khi cây xanh góp phần lọc bụi, tăng cường không khí trong lành cũng như tạo bóng mát. Trong việc cải tạo cây xanh đô thị, hệ thống cây xanh đa tầng tán được xem là bước chuyển lớn trong tư duy thiết kế cảnh quan bằng cây xanh. Trước đây, việc phủ xanh được thực hiện một cách cơ học, thì hiện nay, chủng loại cây xanh được nghiên cứu kỹ càng để phù hợp điều kiện đô thị, giảm công chăm sóc, đồng thời tạo dựng những cảnh quan đẹp.
Phố Giảng Võ vốn là một con phố đẹp của Thủ đô, với hàng xà cừ cao vút nằm trên dải phân cách. Bây giờ, con phố còn đẹp hơn với những hàng cây mới. Khoảng giữa những cây xà cừ cao tuổi trước đây được xây bằng gạch, bê-tông thì nay, dải phân cách bê-tông khô cứng đã biến thành dải phân cách sắc mầu. Bê-tông được dỡ ra, thay vào đó, Công ty Công viên Cây xanh bổ sung hàng hoa ban tím hồng. Tầng thấp hơn là những cây cảnh trồng theo khóm, theo mảng như cọ, dâm bụt, tường vi, mai hoa đăng, dương xỉ,... Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Nguyễn Đức Mạnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, công ty không chỉ trồng cây lấy bóng mát, tạo mầu xanh, mà còn nghiên cứu để làm đẹp các tuyến phố bằng hệ thống cây xanh đa tầng tán. Tầng cao nhất là cây xanh bóng mát. Các tầng thấp hơn là cây hoa, các khóm cây cảnh, thảm cỏ. Phố Giảng Võ chỉ là một trong nhiều tuyến phố được trồng mới, hoặc cải tạo theo hướng nâng cao giá trị thẩm mỹ bằng trang trí cây, hoa các loại. Các tuyến phố chính của thành phố như: Láng Hạ, Liễu Giai, Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng… hay các tuyến đường cửa ngõ: Ngô Gia Tự, Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, đại lộ Thăng Long… đều đồng loạt được “khoác áo mới” nhờ việc cải tạo, trồng mới hệ thống cây xanh.
Đổi mới công tác trang trí chiếu sáng
Hệ thống chiếu sáng đô thị của Hà Nội được đầu tư tương đối đồng bộ từ lâu. Tính đến năm 2018, tỷ lệ chiếu sáng đô thị đã đạt mức 98%. Nếu tính cả khu vực nông thôn, tổng chiều dài các tuyến đường chiếu sáng đạt tới hơn 5.000 km. Trước yêu cầu mới của xã hội và trước sự phát triển của công nghệ, những năm qua, Hà Nội tập trung vào đổi mới hệ thống chiếu sáng theo hướng thẩm mỹ và tiết kiệm. Việc đổi mới chiếu sáng đường phố tại quận Hoàn Kiếm là một thí dụ điển hình. Ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và các khu phố cổ, phố cũ có nhiều kiến trúc Pháp, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) phối hợp chính quyền sở tại lắp đặt hệ thống đèn cao áp và đèn chiếu sáng kiểu Pháp. Các loại đèn này có cột đúc bằng gang, trang trí hoa văn ở giá đèn, độ cao thấp, thích hợp với không gian của khu phố cổ, phố cũ.
TP Hà Nội cũng đẩy mạnh đổi mới công tác trang trí chiếu sáng. Từ năm 2017, hằng năm thành phố đều tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí đường phố. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Tô Văn Động cho biết: “Ba năm nay, năm nào Sở Văn hóa và Thể thao cũng tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí đường phố, vận động các nhà thiết kế, họa sĩ tham gia. Hội đồng Nghệ thuật chấm điểm, tuyển chọn ra những mẫu chất lượng nhất để trao giải và đưa vào triển khai trên thực tế. Năm nay, thành phố lựa chọn được 12 mẫu có giá trị mỹ thuật nhất, sau đó thi công thử tại các con phố để Hội đồng Nghệ thuật kiểm tra trên thực tế, sau đó mới tổ chức thi công chính thức”. Tại Hà Nội từng có những mẫu trang trí rườm rà, dễ gây nguy hiểm với người đi đường. Song, những năm gần đây, trang trí ánh sáng đường phố chuyển sang hướng gọn nhẹ, tao nhã, kết hợp giữa tạo hình những biểu tượng văn hóa của Hà Nội, các loài hoa với những hình, khối hiện đại. Sự kết hợp giữa chiếu sáng đô thị với trang trí ánh sáng tạo nên diện mạo đô thị hiện đại về đêm.
Trước những đổi mới về công nghệ, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội - đơn vị vận hành hơn 90% hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố đã tích cực triển khai chuyển từ chiếu sáng “bật - tắt” sang chiếu sáng thông minh. Công ty đã đầu tư xây dựng Trung tâm điều khiển để giám sát, điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng, sử dụng công nghệ truyền thông qua sóng vô tuyến GSM/GPRS. Toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng của 12 quận được gắn cảm biến, khi trời tối, cảm biến này truyền thông tin về Trung tâm điều khiển để cán bộ bật - tắt từ xa. Khi xảy ra hỏng hóc, thay vì phải bố trí công nhân đến kiểm tra, hệ thống này cho phép cán bộ xác định đúng vị trí xảy ra hỏng hóc. Trung tâm này cũng điều khiển để hệ thống chiếu sáng giảm cường độ, tắt bớt từ một phần ba đến hai phần ba số bóng đèn từ xa khi không cần thiết. Ngoài ra, Công ty cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu về hệ thống chiếu sáng trên nền bản đồ giao thông để nâng cao năng lực kiểm soát lưới điện; ứng dụng công nghệ trong quản lý xe chuyên dùng… Để tiết kiệm điện, các quận nội thành đang từng bước thay thế đèn sodium kiểu cũ bằng đèn led. Những nơi lắp đặt hệ thống điện mới, nhất là khu vực sắp lên quận được lắp đặt chủ yếu là đèn led. Hiện tại, Hapulico đã tự sản xuất bộ đèn led tích hợp các bộ phận cảm biến, có thể tự động điều khiển độ sáng từ 100% xuống còn 70%, 50%, 30% đến tắt hẳn từ trung tâm điều khiển.
Cây xanh, chiếu sáng là những tiêu chuẩn để đánh giá một đô thị hiện đại. Với việc đầu tư đồng bộ, đúng hướng, Hà Nội đang biến những yếu tố hạ tầng cơ bản này thành nhân tố làm đẹp thêm cho cảnh quan Thủ đô.
(Còn nữa)