Để tìm cơ hội đầu tư tại Lào, bà Hứa Thị Bích Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Indochina Holdings và các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Indochina Holdings có chuyến khảo sát thực tế tại nhiều địa phương của Lào trong vòng sáu tháng. Sau chuyến khảo sát, các thành viên trong đoàn đánh giá tiềm năng ở Lào còn rất nhiều, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều dư địa phát triển, khí hậu rất tốt, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Bà Hứa Thị Bích Thu cho biết: Trong chuyến khảo sát này, có doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng cây cao lương, một số cây công nghiệp ngắn ngày khác và kế hoạch sẽ xây dựng một số nhà máy sản xuất tại Lào. Việc khảo sát đã xong, hiện chờ phía Lào cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thị trường đầu ra sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam mà còn hướng đến tiêu thụ tại Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia. "Tuy là đất nước không có biển nhưng Lào đều có đường biên giới với các nước Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, cho nên chúng tôi hy vọng Lào là trung tâm kết nối giao thương, kinh tế các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Lào cần đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là logistics để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư sang Lào và xuất khẩu. Riêng Tập đoàn Indochina Holdings sẽ đầu tư vào khu vực cánh đồng Chum ở Lào", bà Thu chia sẻ.
Theo thống kê, Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 238 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh có 44 dự án đầu tư ở Lào, tổng số vốn đăng ký 496 triệu USD. Cho đến nay, các dự án đầu tư của Việt Nam có mặt tại hầu khắp các vùng miền của Lào, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp... Nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Ðiển hình, các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào, dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng, dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam... Ðể các doanh nghiệp đầu tư sang Lào, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện và khuyến khích các cơ quan, đoàn thể thành phố hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan đối tác của các địa phương Lào, thúc đẩy các doanh nghiệp thành phố đầu tư, trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Lào. Thành phố mong muốn, quan tâm thúc đẩy để quan hệ giữa thành phố với các địa phương của Lào ngày càng hiệu quả. Hiện, thành phố đang khẩn trương triển khai các nội dung đã thống nhất giữa thành phố với Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak, tỉnh Savannakhet. Cụ thể là triển khai dự án công tác củng cố hệ thống thu ngân sách; dự án Trung tâm sản xuất giống bò thịt tại Viêng Chăn; khảo sát địa điểm xây dựng trại chăn nuôi sản xuất giống bò thịt; dự án xây dựng Trung tâm Thương mại-Du lịch tại Viêng Chăn và Thành phố Hồ Chí Minh...
Bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam. Hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước, cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%. Ðiều này thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào-Việt Nam có sự tăng trưởng đáng chú ý qua từng năm. Những thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không... chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn. Trong đó, nguồn vốn của Việt Nam vào thị trường Lào trong thời gian gần đây không ngừng tăng. Cũng theo Bà Phimpha Keomixay, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu, cung ứng các dịch vụ quan trọng về ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại... Việc đầu tư này không chỉ mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là nền tảng, tiền đề quan trọng cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai tại Lào. Thời gian tới, Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam nhờ dân số ổn định, trẻ, GDP tăng trưởng tốt, tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Chính phủ Lào đặt mục tiêu trở thành "nguồn năng lượng cho Ðông Nam Á" thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bền vững ■
Tại Diễn đàn Thương mại và Ðầu tư Việt Nam-Lào mới vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương, doanh nghiệp của Lào và doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết 17 biên bản hợp tác ghi nhớ và một hợp đồng kinh tế với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng. Theo đó, hai bên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch...