Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 3,4 triệu thanh niên. Ðây là lực lượng tiên phong, xung kích trong nhiều lĩnh vực, tạo ra nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Dấu ấn của sức trẻ
Nhiệm kỳ 2017-2022 của Ðoàn Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh khép lại với nhiều kết quả và dấu ấn trên các mảng công tác, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là người bạn đồng hành của thanh, thiếu nhi. Các nội dung, giải pháp trong các lĩnh vực công tác, hoạt động được triển khai đồng bộ, bám sát các quan điểm chỉ đạo, đồng thời có sự đổi mới, chuyển biến ở nhiều mặt, linh hoạt sáng tạo theo tình hình thực tiễn đời sống và yêu cầu mới của xã hội. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy một cách hiệu quả vai trò các phương tiện truyền thông, nâng cao tính tương tác đối với thanh niên trong công tác tuyên truyền, giáo dục và tổ chức hoạt động, tinh gọn các thủ tục và nâng cao hiệu quả lưu trữ, tổng hợp trong công tác. Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho biết: Nhiệm kỳ qua, tuổi trẻ thành phố đã có nhiều biến động trong hoạt động, trong đó là sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính trong thử thách gian khó đó cho thấy sức trẻ thành phố luôn nhiệt huyết, đi đầu trong nhiều hoạt động. Khi dịch bùng phát (đầu năm 2020), tổ chức đoàn các cấp đã tích cực tham gia phòng, chống dịch cùng thành phố. Trong suốt hành trình đó, hơn 2.200 đội hình, hơn 412.000 lượt đoàn viên, thanh niên đã tổ chức, tham gia các đội hình tình nguyện phòng, chống dịch. Tổng số nguồn lực, kinh phí tuổi trẻ thành phố vận động được để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 là hơn 150 tỷ đồng.
Trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển biến nhanh, tuổi trẻ thành phố đã linh hoạt triển khai các hoạt động, nhạy bén với thời cuộc. Ðoàn Thanh niên đã bằng nhiều giải pháp cụ thể để mở rộng đối tượng tập hợp; kết nối thêm nhiều thành phần khác ngoài thanh niên cùng tham gia vào công tác đoàn. Nhờ đó, nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa đã toát lên sức trẻ của đoàn viên, thanh niên thành phố. Tiêu biểu như, địa bàn dân cư có phong trào AST (An toàn-sạch đẹp-văn minh-nghĩa tình); công nhân có phong trào nâng cao năng suất, sáng kiến lao động, hội thi tay nghề; công chức trẻ lĩnh vực hành chính nhà nước là cải cách hành chính, quy trình làm việc; học sinh, sinh viên có phong trào “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt” theo từng đối tượng đặc thù;... nhờ đó, nhiều chỉ tiêu đã đạt được kết quả tích cực. Tiêu biểu như: 100% số cán bộ, đoàn viên được học tập, quán triệt và 80% số thanh niên được tuyên truyền về nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các chủ trương của Ðảng; 2.000 thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ trong đời sống, việc làm; tư vấn, hướng nghiệp cho 1,5 triệu thanh, thiếu niên; giới thiệu việc làm cho 600 nghìn thanh niên;…
Chú trọng chất lượng công tác đoàn
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, chị Phan Thị Thanh Phương cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi thành phố vẫn còn một số hạn chế như: phương thức tổ chức và mức độ đầu tư các giải pháp mới giữa các mảng trong công tác giáo dục chưa đồng đều. Nhiều hoạt động giáo dục của Ðoàn đối với nhiều đối tượng thanh niên, thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật chưa cao; công tác dự báo và xử lý một số vấn đề mới phát sinh trong thanh niên còn lúng túng; nội dung, phương thức triển khai chưa đổi mới, thiếu đầu tư ở các cấp khiến sức thu hút đối với thanh niên chưa cao; tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ đoàn các cấp, nhất là cán bộ tại các cơ quan chuyên trách diễn ra thường xuyên, dẫn đến việc thiếu ổn định trong quá trình điều hành công tác đoàn;…
Ðại hội đại biểu Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa tổ chức thành công. Ban chấp hành, Ban Thường vụ mới với các gương mặt nhiều tiềm năng, năng động sẽ đại diện cho tuổi trẻ thành phố tiếp tục đưa công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi triển khai các hoạt động hiệu quả, thiết thực. Với khẩu hiệu “Yêu nước-Ðoàn kết-Xung kích-Sáng tạo-Hội nhập”, Thành đoàn thành phố đề ra các mục tiêu trong giai đoạn 2022-2027 là: tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên thành phố giàu lòng yêu nước, yêu thành phố; phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia khôi phục kinh tế-xã hội thành phố sau đại dịch Covid-19; trong hội nhập quốc tế và công cuộc chuyển đổi số;…
Chia sẻ và giao nhiệm vụ cho tuổi trẻ thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại những chiến công, tinh thần nhiệt huyết của các thế hệ trẻ Thành đoàn thành phố qua các thời kỳ. Ðó là, những giá trị to lớn có ý nghĩa đối với từng chặng đường của tuổi trẻ thành phố cần được thế hệ trẻ hôm nay kế thừa và phát huy. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực của tuổi trẻ thành phố đạt được trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, Ðảng, Nhà nước, thành phố luôn tạo điều kiện để tuổi trẻ phát huy những phẩm chất tốt nhất nhằm cống hiến cho sự phát triển thành phố cũng như đất nước. Ðồng chí lưu ý, thời gian tới, tuổi trẻ thành phố cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Ðoàn Thanh niên. Trong đó, chú trọng công tác tập hợp, vận động thanh niên phù hợp điều kiện đặc thù của thành phố; đổi mới cách thức làm việc khoa học để bảo đảm hiệu quả của các mặt công tác. Tuổi trẻ thành phố cần giáo dục cho thanh niên những ý nghĩa quan trọng của việc học, rèn giũa các kỹ năng. Tuổi trẻ cần nhớ lời Bác Hồ dạy về sự quan trọng của việc học trong quá trình công tác, lập thân lập nghiệp. Bí thư Nguyễn Văn Nên tin tưởng, với đạo đức, tài năng, nhiệt huyết sẵn có, tuổi trẻ thành phố sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để đồng hành xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Một số chỉ tiêu giai đoạn 2022-2027:
Hằng năm, 100% số cán bộ đoàn, đoàn viên, 80% số thanh niên được học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, kết luận, chủ trương của Ðoàn. Ðến hết nhiệm kỳ, 70% số thanh, thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số; 70% số thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 80% số thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử; 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện; 20.000 ý tưởng, sáng kiến, đề tài được triển khai, hiện thực hóa; 2 triệu lượt thanh, thiếu niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm, 600.000 thanh niên được giới thiệu việc làm;…