Nhiều chính sách thúc đẩy nghề nuôi cá cảnh phát triển

Việc sản xuất, kinh doanh cá cảnh trong những năm qua ở Thành phố Hồ Chí Minh phát triển khá mạnh, bước đầu khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp thành phố. Tuy nhiên, sản phẩm tiềm năng này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, cần có những chính sách phù hợp để tiếp sức...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân chiêm ngưỡng cá cảnh tại Hội thi cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Người dân chiêm ngưỡng cá cảnh tại Hội thi cá cảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Cách đây 10 năm, Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi được thành lập để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các loại cá cảnh nước ngọt. Đến nay, Thiên Đức có trang trại quy mô 25.000m2, gồm: Khu nuôi dưỡng, văn phòng, kho hàng và đóng gói có diện tích khoảng 5.000m2; khu sản xuất cá giống được nuôi dưỡng trong các nhà xưởng hồ kính khép kín với diện tích 20.000m2. Với quy mô nuôi theo dạng công nghiệp, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, sản phẩm của Thiên Đức hiện xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Ba Lan, Anh, Hà Lan, Nhật Bản...

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế nuôi cá cảnh xuất khẩu do có nguồn nước, khí hậu, nguồn thức ăn... đa dạng. Xuất khẩu cá cảnh hiện nay của Việt Nam đang phát triển mạnh và chiếm hơn 3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước. Cá cảnh ở thành phố cũng khá phong phú với khoảng 70 loài, gồm hơn 50 loài nuôi sinh sản và 20 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng.

Năm 2003 thành phố có khoảng 150 cơ sở sản xuất cá cảnh, đến nay đã phát triển khoảng 300 cơ sở. Các cơ sở sản xuất cá cảnh phát triển tập trung ở các huyện ngoại thành của thành phố với diện tích sản xuất ương nuôi gần 90ha, trong đó hai huyện Củ Chi và Bình Chánh chiếm khoảng 80%. Giai đoạn 2010-2019, tổng sản lượng cá cảnh của thành phố mỗi năm đều tăng trung bình khoảng 15%/năm.

Năm 2010 là 60 triệu con, đến đầu năm 2019 tăng lên 205 triệu con. Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành nghề, kể cả lĩnh vực cá cảnh. Sản lượng sản xuất cá cảnh đã giảm hơn 50% vào năm 2021, còn khoảng 100 triệu con.

Tuy phát triển mạnh so với các địa phương khác trên phạm vi cả nước, nhưng việc sản xuất, kinh doanh cá cảnh ở thành phố quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún do việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng, sản xuất mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, không theo quy trình chuẩn...

Theo đại diện Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức, để nghề cá cảnh ở thành phố phát triển nhanh và bền vững, các đơn vị liên quan cần hỗ trợ về vốn; tiếp tục chương trình hỗ trợ vay cho nông nghiệp; hỗ trợ thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy sử dụng công nghệ lai tạo giống mới, chuyển giao giống và công nghệ nuôi tiên tiến, khuyến khích doanh nghiệp và các cơ sở nuôi cá cảnh đổi mới sáng tạo trong sản xuất. Mở rộng vùng nuôi, trong đó lấy huyện Củ Chi để xây dựng thương hiệu quốc gia về cá cảnh xuất khẩu, phát triển ngành phụ trợ và các sản phẩm của ngành cá cảnh...

Cá cảnh được xem là một trong những lĩnh vực nông nghiệp đô thị quan trọng của kinh tế nông nghiệp thành phố, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, có nhiều tiềm năng phát triển. Ông Nguyễn Thành, Tổng Thư ký Hội Ngành nghề nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, các cơ sở nuôi cá cảnh mong muốn được thành lập chợ cá cảnh để phát huy thế mạnh cá cảnh là sản phẩm tiềm năng trong phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Cẩm Lương, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để nghề cá cảnh thành phố phát triển, mang lại thu nhập cao, các cơ sở nuôi cá cảnh, các đơn vị chức năng cần xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị cá cảnh.

Điều này xác định được đâu là những hoạt động chính của nghề nuôi cá cảnh; giúp nhà quản trị nâng cao năng lực cạnh tranh, nhà quản lý hoàn thiện chính sách vĩ mô và vi mô. Qua đó, giúp phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi để sản phẩm tiếp cận thị trường một cách bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của cá cảnh.

Theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đã có gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các huyện để sản xuất giống cá cảnh chủ lực xuất khẩu. Kết hợp vành đai sinh thái tập trung tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh; nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng để có chiến lược, kế hoạch sản xuất các loài cá cảnh phù hợp.

Đồng thời, liên kết các tỉnh xây dựng vùng sản xuất cá cảnh phù hợp, bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh; ưu tiên cho thuê đất, giao đất và các chính sách ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, môi trường... cho hợp tác xã, doanh nghiệp công nghệ cao tại vùng sản xuất giống, trong đó có cá cảnh theo quy định.