Dù hai đêm công diễn "Ðợi Kiều" tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc cách đây hơn một tháng nhưng những gì mà vở cải lương thể nghiệm này tạo ra vẫn được nhiều khán giả nhắc đến. Ở thể loại độc diễn, "Ðợi Kiều" kể lại chuyện đời lắm gian truân của Thúy Kiều thông qua góc nhìn của bốn nhân vật quen thuộc: Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Ðạm Tiên.
Sân khấu chuyển động liên tục theo bốn mùa, phần múa bóng phong cách đương đại của nghệ sĩ Lê Mai Anh giúp vở diễn thêm sống động, cuốn hút hơn. Ðảm nhận vai trò kể chuyện xuyên suốt vở diễn 90 phút là diễn viên Hồng Bảo Ngọc. Bằng chất giọng khi ngọt ngào, lúc sâu lắng, Bảo Ngọc nỗ lực truyền tải những thông điệp mà biên kịch-đạo diễn Ðào Lê Na muốn gửi gắm đến người xem thông qua hình thức cải lương thể nghiệm với khá nhiều nét mới từ cách thiết kế sân khấu, lối kể đến âm nhạc, ánh sáng...
Ở "Ðợi Kiều", người xem hoàn toàn không thấy Thúy Kiều xuất hiện trên sân khấu nhưng hành trình sống của nhân vật chính vẫn được hình dung trọn vẹn qua cách kể khéo léo, mới mẻ. Cả vở diễn chỉ một diễn viên trên sân khấu, thế nhưng, khán giả vẫn dõi theo không có điểm dừng và khán phòng liên tục ngập tràn tiếng vỗ tay. Ðiều mà "Ðợi Kiều" làm tốt nhất chính là thổi làn gió mới vào một tác phẩm kinh điển để khán giả trẻ có thêm cơ hội "đọc" và ngẫm Kiều theo cách gần gũi, hiện đại hơn.
"Truyện Kiều đã có nhiều phiên bản cải biên nhưng điều khiến tôi vui nhất là cùng ê-kíp với đa phần người trẻ đã tạo được một phiên bản khác với cách mọi người từng làm. Làm mới Truyện Kiều, làm mới cải lương, nhiều ý kiến cho rằng tôi quá liều lĩnh nhưng với góc nhìn của một người nghiên cứu về cải biên, tôi thích sự thay đổi lần này khi quyết định đưa Truyện Kiều lên sân khấu", biên kịch-đạo diễn Ðào Lê Na chia sẻ…
Nhà xuất bản Kim Ðồng cũng có hai ấn phẩm thể hiện góc nhìn mới lạ về Truyện Kiều của người trẻ. Năm 2020, khi vừa phát hành, cuốn sách "Truyện Kiều tự kể" của cây bút Cao Nguyệt Nguyên với phần vẽ minh họa của 12 họa sĩ trẻ khiến nhiều người bất ngờ, thú vị. Nếu như trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có 3.254 câu thơ để gửi gắm tất cả những gì mình muốn nói, thì ở "Truyện Kiều tự kể", tác giả chọn cách thể hiện hoàn toàn bằng văn xuôi và hóa thân vào từng nhân vật. Vẫn là Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư… nhưng tác giả trẻ cho các nhân vật được cất tiếng nói với nỗi đau và bao điều suy tư. Chính cá tính của cây bút trẻ đã khoác lên chiếc áo mới cho các nhân vật quen thuộc với bao thế hệ người đọc.
Ngoài lời kể sáng tạo, phần minh họa 12 nhân vật của 12 họa sĩ trẻ cũng góp phần tạo nên điểm nhấn cho "Truyện Kiều tự kể". Một Truyện Kiều lạ mà quen với phần trình bày đầy tính nghệ thuật.
Cũng thuộc dòng sách nghệ thuật như "Truyện Kiều tự kể" nhưng "Ký mộng" do Nhà xuất bản Kim Ðồng phát hành năm 2022 lại mang một màu sắc khác qua nét vẽ của họa sĩ 9X Niayu (Trần Mỹ Ngọc, cựu sinh viên Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh).
Từng áng thơ của đại thi hào Nguyễn Du, từ Ký mộng, Ðộc Tiểu Thanh Ký, Dương Phi Cố Lý đến Văn tế thập loại chúng sinh, Long Thành cầm giả ca, Truyện Kiều… được kể lại trên nền hình ảnh minh họa độc đáo.
"Ðọc thơ của Tố Như, tôi luôn rung động từ trong sâu thẳm, bất kể khi tôi chú tâm nghiền ngẫm hay chỉ tình cờ đọc được câu thơ đơn lẻ ở một nơi nào và thế là tôi vẽ", họa sĩ Niayu cho biết thêm…
Truyện Kiều ngày càng được tiếp cận với các cách thức gần gũi, mộc mạc. Việc đưa Truyện Kiều vào lịch của Công ty TNHH An Hảo cũng được xem là một nỗ lực lan tỏa giá trị của tác phẩm kinh điển này đến cộng đồng.
Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, bộ lịch bloc Truyện Kiều 365 ngày của đơn vị này tiếp tục nhận được sự quan tâm của mọi người. Phần hình ảnh minh họa trong bộ lịch do họa sĩ Hữu Hiếu cùng các cộng sự thực hiện. Phần thơ và chú giải Truyện Kiều trong bộ lịch dựa vào bản in Từ điển Truyện Kiều của cụ Ðào Duy Anh (bản in lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1993).
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Hoa Sen, người đảm nhận vai trò cố vấn nội dung cho bộ lịch Truyện Kiều của An Hảo, cho biết, đưa câu chuyện của Kiều vào lịch có thể được xem là cách bảo tồn, giới thiệu tinh hoa của di sản văn hóa dân tộc. Tín hiệu đáng mừng là ngay khi xuất hiện, bộ lịch được xếp vào nhóm sản phẩm bán chạy. Ðiều này chứng tỏ được sức hút của tác phẩm thông qua cách thể hiện gần gũi là tờ lịch người dân xem mỗi ngày. Khi cầm tờ lịch trên tay, người trẻ sẽ biết thêm về Truyện Kiều rồi tò mò, thích thú tìm hiểu để thấu hiểu trọn vẹn tác phẩm. Ðây là cách phù hợp để lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc.
Cũng theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, vài đơn vị nỗ lực sẽ không đủ mà cần sự chung tay của cả cộng đồng để các di sản văn hóa dân tộc được nhiều người biết đến, giữ gìn, phát huy thông qua nhiều cách làm sáng tạo...