Ngồi bên ô cửa sổ, ông Pả Hơi say sưa đánh đàn ta lư. Cây đàn do chính ông làm ra, gắn bó với ông hàng chục năm nay. Ông bảo, âm thanh phát ra từ cây đàn giống cuộc đời ông, lúc thăng trầm, lúc vui vẻ, lúc bâng khuâng nỗi nhớ miên man...
Ngôi nhà sàn của ông nằm bên sườn đồi. Gia đình và hàng xóm chung quanh nhà ông đều đã quen với việc thường xuyên được nghe tiếng đàn vào mỗi buổi chiều sau giờ đi rẫy về. Có ngày, tiếng đàn du dương đến tận khuya. Nhiều người nói, tiếng đàn của ông giúp họ quên đi những vất vả cuộc sống, có được giấc ngủ thanh bình, ngon giấc sau những ngày làm việc mệt nhọc.
Bén duyên với nghề làm nhạc cụ dân tộc từ khi còn trẻ, văn hóa truyền thống của đồng bào Bru Vân Kiều dường như đã ăn sâu vào máu thịt của người đàn ông này. Hơn 40 năm qua, lúc nào ông cũng giữ bên mình các loại nhạc cụ cơ bản của người Vân Kiều, nhất là khèn bè và đàn ta lư. Nơi sinh sống không có ai truyền dạy, ông Pả Hơi đã tự mày mò tập luyện rồi tìm đến các nghệ nhân lớn tuổi và cả những người bạn ở Lào để nhờ họ hướng dẫn cách chế tác các loại nhạc cụ này.
“Khi còn nhỏ, thấy mọi người trong làng chơi đàn, thổi sáo tôi thích lắm. Từ đó, tôi cùng một số người bạn tự mày mò chế tạo ra các loại nhạc cụ để chơi. Nhờ có niềm đam mê với bộ môn này cho nên tôi học khá nhanh. Đến nay, tôi có thể chơi các loại nhạc cụ này thành thạo”, ông Pả Hơi chia sẻ.
Theo ông Pả Hơi, để chế tác thành thạo khèn bè và đàn ta lư, ông phải trải qua một quá trình nỗ lực không ngừng, nhất là đối với khèn bè, một loại nhạc cụ khó sử dụng mà chế tác lại càng khó hơn. Thông thường, để cho ra đời được chiếc khèn bè đạt chất lượng, người làm phải có đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường và đôi tai thẩm âm nhạy bén. Người chế tác thành công khèn bè phải là người chơi khèn đạt đến độ điêu luyện. Thường thì mất 5-7 ngày ông mới chế tác xong một cây khèn bè.
Vật liệu chính để làm ra một chiếc đàn là cây tre được ông tìm kiếm, chọn lựa kỹ lưỡng. Cây tre phải đạt độ thẳng, đẹp, không quá già cũng không quá non, mang về phơi nhiều nắng rồi nắn, ép cho đạt độ thẳng nhất định. Sáp kết dính phải được làm từ tổ ong ruồi nằm trong lòng đất. Tất cả các loại dụng cụ như búa, đe, mài, dũa... ông đều tự tay chuẩn bị.
Không chỉ là một thợ chế tác khèn bè và đàn ta lư tài ba, ông Pả Hơi còn là một người am hiểu và thành thạo trong việc sử dụng các loại nhạc cụ khác như cồng, chiêng và hát dân ca của người Vân Kiều. Năm 2020, ông gia nhập Câu lạc bộ Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo. Với nhiệt huyết của mình, ông không ngần ngại chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về hát dân ca và sử dụng nhạc cụ cho các thành viên trong câu lạc bộ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ông, nhiều người trẻ được truyền cảm hứng và đam mê với nghệ thuật truyền thống. Anh Hồ Văn Phúc, một trong những thành viên trẻ tuổi của Câu lạc bộ cho biết: “Ông Pả Hơi là một trong những người đã truyền cảm hứng đam mê nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ như chúng tôi. Ông không những nhiệt tình năng nổ trong các phong trào của câu lạc bộ, mà còn là người đã chế tạo ra các loại nhạc cụ truyền thống để thành viên trong câu lạc bộ sử dụng”.
Ngoài việc bảo tồn nhạc cụ và dân ca, ông Pả Hơi còn dành thời gian đan lát. Đây là nghề truyền thống của cha ông truyền lại, giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các loại dụng cụ phục vụ đời sống sản xuất như gùi, giỏ, mâm cơm, chổi đót... ông đều tự tay làm. Ông Pả Hơi đã tạo ra những tác phẩm độc đáo và tinh xảo, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Với người dân nơi đây, ông không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ gìn giữ và theo đuổi nghệ thuật truyền thống.