Nghịch lý

Ở đâu đó, một khu rừng đặc dụng cảnh quan được phù phép chuyển đổi mục đích, quy hoạch thành khu du lịch và hàng chục nhà "đầu cơ" mượn danh "đầu tư" nhảy vào "chiếm đất" rồi sang nhượng qua tay nhiều người cho đến lúc nhà quản lý không thể tìm ra "nhà đầu tư F1".
0:00 / 0:00
0:00

Ở đâu đó, cánh đồng nuôi sống nhiều thế hệ nông dân của một làng, một xã, bỗng nhiên trở thành sân golf với mục đích giải trí của một nhóm người. Vườn rau, hoa tốt tươi với bao dự định của người nông dân biến thành trang trại chuyên canh chất lượng cao cho mỗi hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm bỗng nhiên bị xéo nát và mọc lên những lô chung cư cao cấp hay dãy nhà biệt lập. Ở một huyện tại Tây Nguyên, có hàng chục nhà đầu tư được chính quyền giao đất, doanh nghiệp nhận đất rồi bỏ hoang suốt bao năm qua trong khi nông dân địa phương thiếu đất sản xuất. Ðã có lúc vì quá khát đất, người dân đành phải thuê lại đất của các doanh nghiệp với giá rất cao để canh tác rau. Trước đó, đất này họ từng được giao quyền sử dụng và đang canh tác, chính quyền tích cực giải tỏa, thu hồi giao gấp cho các dự án…

Thu hút đầu tư phát triển là con đường tất yếu. Người dân luôn ủng hộ, đồng thuận và sẵn sàng hy sinh lợi ích của họ cho sự nghiệp chung. Nhưng sự hy sinh đó phải thật sự chính đáng. Niềm tin của người dân chỉ được xác lập chắc chắn trên cơ sở những điều kiện sống sau giải tỏa sẽ được bảo đảm và chính quyền phải giám sát chặt chẽ những cam kết của nhà đầu tư. Thế nhưng, không mấy nơi làm được điều đó. Trong khi, rất nhiều dự án giải tỏa đất của dân đang sinh sống và canh tác, thậm chí phải dùng những biện pháp cưỡng chế, sau đó lại trở thành những dự án "treo".

Dự án "treo" chỉ là một cách nói. Nói nhiều nghe quen tai rồi thành vô cảm. Từ vô cảm đến vô trách nhiệm. Dự án không tự "treo" mà người ta "treo" tài nguyên được giao nhằm mục đích khác. Trong vô vàn lý do thì có một mục đích quan trọng là nhiều nhà đầu tư chỉ nhằm chuyện "đầu cơ" đất đai. Sau khi có trong tay dự án và đất đai, một số nhà đầu tư quên ngay chuyện đầu tư mà nghĩ đến các cơ hội khác, trong đó, chuyển nhượng cầm "tiền nóng" là một cách thu hồi lợi nhuận nhanh nhất. Hiện tượng này trở nên khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố mà chính quyền các địa phương đã phải thừa nhận. Cũng có nhiều dự án bị "treo" bởi nhà đầu tư không đủ thực lực triển khai. Lỗi này lại thuộc về chính quyền, bởi quá trình thẩm định, cấp phép không chặt chẽ…

Chúng tôi từng chứng kiến nhiều lễ khởi công, khởi động trống giong, cờ mở. Ở những buổi lễ đó là những câu chúc mừng, những lời cam kết về tiến độ thực hiện, về bảo đảm an sinh cho người dân bị thu hồi đất. Những lời hứa về ổn định tái canh, tái cư, về đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm. Thế nhưng, không ít dự án, sau niềm hân hoan bởi hy vọng về những điều tốt đẹp là những khoảng trống khó được lấp đầy.